Multimedia Đọc Báo in

Mộ Ama Thuột ở đâu?

08:54, 27/11/2014
"Ama Thuột là một vị tù trưởng hùng mạnh của người dân Êđê Kpă, thành phố Buôn Ma Thuột được thành lập trên nền tảng của các buôn làng do ông cai quản. Trải qua quá trình phát triển, ngôi mộ Ama Thuột (70 Nguyễn Tất Thành TP. Buôn Ma Thuột) ngày nay bị bào mòn không còn chứng tích, cần lắm một công trình nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này”, trưởng buôn Kô Siêr, Ama Nghé nói khi được hỏi về mộ Ama Thuột.

Huyền thoại Ama Thuột

Buôn Ma Thuột gốc tiếng Êđê nghĩa là “bản hoặc làng của cha Thuột”, xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột (Ama là cha, Thuột là tên con, người Êđê khi có con trai thì họ gọi người cha bằng tên của con trai mình). Ama Thuột nghĩa là cha của Y Thuột, một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng. Theo lời kể của Ama Nghé, trưởng buôn Kô Siêr, Buôn Ma Thuột xưa kia là vùng đất của người Êđê Kpă, với khoảng 50 nhà dài Êđê, nằm trên vùng gò đồi màu mỡ dọc theo suối Ea Tam. Dưới thế lực hùng mạnh của tù trưởng Ama Thuột, các buôn lân cận, giáp ranh như Ko Tam, Kmrong, Păn Lăm, Cư Dluê… chịu ảnh hưởng rất lớn, coi đây là trung tâm của vùng. Trong buôn, có việc lớn, nhỏ mọi người đều tìm đến Ama Thuột để hỏi han, mời ông tham dự, tạo thành khối đoàn kết bền chặt và tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt đầu từ đó. Năm 1904, thực dân Pháp bình định Dak Lak, Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm hành chính thay cho Buôn Đôn. 

Cồn đất cao, cây cối mọc um tùm được cho là mộ Ama Thuột!
Cồn đất cao, cây cối mọc um tùm được cho là mộ Ama Thuột!

Trải qua bao thăng trầm, biến cố, Buôn Ma Thuột trở thành quê hương chung của người dân bản địa và người miền xuôi, tạo thành cộng đồng anh em sinh sống hòa thuận, gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Cần được quan tâm xứng tầm

Là thành phố mang tên vị tù trưởng Ama Thuột, thu hút rất nhiều khách du lịch, trong số đó có những người muốn tìm hiểu ý nghĩa của cái tên Buôn Ma Thuột…, nhưng không thực hiện được. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, một khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong một chuyến du lịch lên Dak Lak, chị đã nhờ người quen tìm đến mộ Ama Thuột, nhưng khi tới nơi, chỉ thấy một cồn đất cao, cây cỏ mọc um tùm, không có lối vào. Ngôi mộ nằm đơn lẻ, không có bia cũng như không có chứng tích chứng tỏ đây là mộ Ama Thuột. Còn ông Nguyễn Văn Lưu, đường Nguyễn Thiếp chia sẻ: sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột 40 năm nay, nhưng ông vẫn không biết mộ Ama Thuột cụ thể ở đâu. Nhiều người nói là mộ ông tại địa chỉ 70 Nguyễn Tất Thành, nhưng khi tới đó thấy cây cối mọc um tùm, không có lối vào nên đành thôi. Không chỉ người nhập cư, khách du lịch mà chính người dân bản địa buôn Kô Siêr – buôn làng Ama Thuột từng sinh sống, cai quản vẫn không biết mộ ông ở đâu. Bà H’len, một người dân buôn Kô Siêr kể lại, lúc còn nhỏ bà đã từng nghe đến cái tên Ama Thuột, vị tù trưởng huyền thoại của buôn làng, nhưng chưa bao giờ bà tới thăm mộ ông nên bây giờ bà không biết ở đâu. Bà giới thiệu chúng tôi tìm tới trưởng buôn để tìm hiểu. Trưởng buôn Ama Nghé thừa nhận, không thể trách người từ địa phương khác chuyển đến sinh sống mà chính bản thân người dân buôn Kô Siêr cũng không biết mộ Ama Thuột ở đâu, đặc biệt là giới trẻ và chính nhiều người đến tuổi “gần đất xa trời” như ông cũng không biết. Bởi, thời của tù trưởng Ama Thuột, buôn mà ông sinh sống đặt tại 70 Nguyễn Tất Thành ngày nay. Về già, Ama Thuột bị mù, ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cậy vào con cháu. Cháy làng, ông không thoát được, người dân trong làng đã gom tro cốt của ông và cả căn nhà, lập mộ tượng trưng để chôn cất cạnh mộ của vị tù trưởng kế trước Y BLơi (tại địa chỉ 70 Nguyễn Tất Thành hiện nay). Sau đó, dân làng chuyển về sinh sống tại buôn Kô Siêr ngày nay, buôn cũ trở thành bãi đất trống, vắng người qua lại, viếng thăm. Trong quá trình phát triển, di dời làng, mộ Ama Thuột đã bị bào mòn, chỉ còn ngôi mộ của ông Y BLơi.

Ông Đoàn Văn Thống, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong dân gian vẫn có thông tin nói rằng, ngôi mộ tại địa chỉ 70 Nguyễn Tất Thành không phải là mộ của Ama Thuột, nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào nói về điều đó. Hằng năm vào dịp lễ, tết, phòng cùng với một số người dân buôn Kô Siêr tiến hành phát dọn cây cối, thắp nhang… Hiện nay, đề án xây dựng công viên Ama Thuột tại địa chỉ 70 Nguyễn Tất Thành, với diện tích 29.760m2, thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng không gian kiến trúc trục đường Nguyễn Tất Thành (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, công viên sẽ có khu mộ Ama Thuột, nhà dài truyền thống, nhà làm việc, chòi nghỉ chân, hồ nước, khu vui chơi giải trí, hệ thống cây xanh… dự kiến công trình sẽ được triển khai xây dựng cuối năm 2014.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc