Multimedia Đọc Báo in

Món ngon trên miền đất đỏ bazan

08:56, 16/11/2014

Mì quảng, cao lầu, bún bò Huế… là những món ăn quen thuộc suốt cả hành trình tồn tại, các quán nhỏ với những món ăn dân dã này được thực khách mọi nơi biết đến nhờ cách chế biến hấp dẫn, đậm đà, thái độ phục vụ ân cần, xởi lởi…

Mì quảng ngon nổi tiếng ở huyện nghèo

Quán mì Vân (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) nằm trên tỉnh lộ 12, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột trên 60 km. Năm 1985, thiếu nữ Trần Thị Hạnh rời miền quê Điện Bàn (Quảng Nam) tới vùng kinh tế mới lập nghiệp. Xa quê hương với hai bàn tay trắng, cô gái trẻ làm thuê làm mướn đủ nghề... Khi kiếm được chút vốn, cô quyết định mở quán mì quảng, bởi đây là đặc sản quê hương mà cô đã học được cách làm từ cha mẹ. Sau khi mở quán, cô chú ý lắng nghe chia sẻ của khách hàng và “biến tấu” phù hợp với khẩu vị con người miền đất đỏ bazan…

Cô Hạnh giới thiệu nguyên liệu để làm món mì quảng gồm các thành phần: mì quảng tráng sẵn kết hợp với thịt heo, thịt gà, tôm, cá lóc… (tùy từng món mì mà khách gọi) đi kèm với bánh tráng, đậu phộng, vài quả ớt tươi, ít lát chanh và một dĩa rau sống: xà lách, bắp cải thái nhỏ, hoa chuối, giá… Để phục vụ cho khẩu vị từng khách hàng, cô Hạnh thường mang kèm một tô nước lèo cho khách nào muốn dùng mì nhiều nước. Ngoài việc tiếp thu ý kiến, sự đón tiếp niềm nở của chủ quán cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp cho thực khách. Quán mì Vân rộng chừng 40 mét, kê khoảng 15 bàn ăn, nhưng hầu như buổi nào trong ngày cũng chật kín khách. Ai có nhu cầu thêm mì hay thêm nước chan, rau sống thì chủ quán cũng sẵn lòng, đồng thời không “nhích” thêm giá bán. Nhờ vậy, lượng khách đến quán không ngừng tăng, nhiều hôm quán bán được hơn 2 tạ mì.

Giờ đây, cô Hạnh ngày nào đã gần tuổi 60, có con cháu sum vầy, trong đó, 2 người con lớn tiếp tục theo mẹ xây dựng thương hiệu cho quán, còn 3 người con sau đã học xong đại học và kiếm được công việc ổn định. Tuy mỗi người một chí hướng, nhưng từ đời con đến đời cháu của cô Hạnh, ai cũng biết chế biến món mì này, họ xem đó là “món ruột”, “món tủ” của gia đình.

Thưởng thức cao lầu ở quán Mai

Quán Mai của chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, ở xã Ea Trul, huyện Krông Bông chuyên phục vụ món cao lầu. Từ lâu, quán ăn dân dã, ngon, rẻ này đã đáp ứng được “gu” ẩm thực của nhiều vị khách khó tính trong và ngoài huyện. Chị Mai tâm sự: “Ngày xưa, ba mẹ bán cao lầu nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Bây giờ, tôi cũng nối nghiệp, bán món ăn này để nuôi 5 đứa con, mong chúng được ăn học, thành đạt”. Tính đến nay, 5 người con của chị đã thuộc lòng từng công đoạn nấu. Trải qua 3 thế hệ, nhưng chất giọng Quảng vẫn “đặc sệt” trong ngôn ngữ mỗi người. Có lẽ, đó cũng là một trong những điều giúp chủ quán nhận thêm nhiều cảm tình của thực khách.

Món cao lầu của cô Mai được thực khách yêu thích.
Món cao lầu của cô Mai được thực khách yêu thích.

Quán ăn của chị Mai trang trí, bày biện không cầu kỳ, chỉ một tấm biển nhỏ góc tường, kê thêm vài cái bàn ăn nhưng rất thu hút khách. Cao lầu trên đất Tây Nguyên cũng có những sợi mì vàng được dùng với tôm, thịt heo, một ít tóp mỡ và rau sống với thành phần chủ yếu là giá đỗ.

Đáp ứng nhu cầu của khách, chị Mai phân loại tô lớn, tô nhỏ rồi bán với mức giá từ 10 – 20  nghìn đồng/tô, mỗi ngày quán đón khoảng 50 – 100 lượt khách. Chị Mai vui vẻ: “Không phải thực khách nào cũng có đủ 20 nghìn đồng để thưởng thức một tô cao lầu, vì vậy phải phân giá khác nhau để bán hợp lý nhất. Tuy nhiên sự khác biệt giữa các tô cũng không quá nhiều. Ở làng quê mà, người nào xin thêm mì, thêm rau thì mình cũng rất sẵn lòng”. 

Anh Đinh Hồ Sĩ An (TP. Quy Nhơn, Bình Định) rất “kết” món cao lầu ở quán Mai. Ngày còn học ở Trường Đại học Tây Nguyên, anh cùng nhóm bạn tranh thủ ngày cuối tuần để xuống huyện thưởng thức món ăn này. Giờ tuy đã về lại Quy Nhơn làm việc nhưng có dịp thăm Dak Lak, anh vẫn không quên ghé lại quán. Anh tâm sự: “Mình thích quán vì giá rẻ, cách phục vụ rất chân chất, mộc mạc, chủ quán cũng vui tính, dễ gần mà món ăn lại khá đặc biệt, ở Quy Nhơn mình chưa tìm được quán cao lầu nào ngon như ở đây”.

“Bún Huế” của bà Huế

Hơn 10 năm mở quán tại chợ Tam Giang, xã Tam Giang (huyện Krông Năng), quán bún Huế của bà Nguyễn Ích Thị Huế (65 tuổi) luôn thu hút nhiều thực khách trong và ngoài huyện.

Sau khi cưới nhau và có 3 người con, vợ chồng bà Huế quyết định rời huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) để vào vùng kinh tế mới Tam Giang lập nghiệp. Từng lăn lộn với nhiều nghề để kiếm sống, bà Huế bàn với chồng mở quán bún để bán, còn ông Phan Gia Quánh - chồng bà tiếp tục nghề bán thuốc tây. Hai người hỗ trợ nhau xây dựng cơ nghiệp gia đình và nuôi dưỡng 10 người con khôn lớn, trưởng thành…

Quán bún của bà Huế nằm ngay mặt đường, gắn một biển hiệu nho nhỏ tên “Bún Huế”. Mặc dù bị che khuất bởi nhiều cửa tiệm lớn xung quanh, nhưng quán của bà luôn đông khách. Bà con xung quanh cho biết, hiếm thấy quán nào đặc biệt như quán này. Quán mở cửa từ 5 giờ 30 đến 9 giờ sáng, mỗi buổi vậy bà Huế bán trên 20 kg bún. Loại bún bà bán làm từ sợi bún khô, được chế biến sạch sẽ. Rau sống cũng vậy, đấy là loại rau “cây nhà lá vườn”, không thuốc bảo vệ thực vật. Để có món bún ngon phục vụ khách, bà Huế cùng các con dậy chuẩn bị từ lúc 4 giờ sáng. Ngoài các thành phần: bún, thịt bò, rau sống, rau thơm… thì bà Huế còn chú trọng đến các gia vị ớt, tiêu trong khâu nấu giúp tô bún của bà lúc nào cũng đậm đà, có mùi thơm đặc biệt. Bà chia sẻ kinh nghiệm: “Người dân ở đây ăn ớt, tiêu nhiều, vì thế quán luôn chuẩn bị đầy đủ những gia vị đi kèm. Thiếu một thứ là mất một điểm trong lòng khách. Hơn thế bún có ngon gì đi nữa mà mình đón tiếp khách không chu đáo, thiếu tôn trọng thì mình cũng mất uy tín dần”.  

Bún bà Huế bán với giá từ 5 – 25 nghìn/tô, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Bà cho biết thêm: “Người ta bán vé số, bán vài bó rau ngoài chợ thì lấy đâu tiền nhiều để ăn tô bún đắt tiền. Mình bán rẻ, chỉ lời một chút ít, nhưng cái tâm vui và thoải mái là được rồi”!

Nhờ nấu ngon, lại xởi lởi nên quán bà có hơn 80% là “khách ruột”. Nụ cười của bà, kèm lời nói: “Lần sau nhớ ghé quán bác ủng hộ nữa nhé!” khiến thực khách thấy vui trong lòng…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.