Niềm say mê âm nhạc truyền thống của thế hệ trẻ
Với mỗi thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên thì được tham gia CLB không chỉ là cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật mà còn để giao lưu, học hỏi, gửi gắm những tâm tư, tình cảm.
CLB Cồng chiêng của Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham gia Liên hoan thanh niên hát dân ca và đội cồng chiêng trẻ tỉnh Dak Lak lần thứ I. |
Cũng giống như Y Sô, được theo cha biểu diễn trong các lễ hội của buôn làng từ những ngày còn thơ bé đã đưa Y Ksê Hđơk (lớp Điện 12A) có niềm yêu thích đối với cồng chiêng. Y Ksê chia sẻ: “Mặc dù em đã biết qua một số kỹ thuật nhưng muốn thành thạo thì vẫn phải tìm tòi, học hỏi và luyện tập thường xuyên. Đánh chiêng không khó nhưng nó đòi hỏi phải có niềm đam mê và kiên trì. Người đánh chiêng muốn diễn tấu hay thì phải biết cảm nhận, thả hồn vào từng nhịp điệu để tiếng chiêng ngân vang da diết, hùng hồn, truyền tải được hết ý nghĩa của nó. Đối với em, mỗi lần được biểu diễn, khi nghe tiếng chiêng ngân lên lòng em lại dâng lên cảm xúc khó tả, có thể nói đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cả niềm tự hào nữa”. Là thành viên mới nhất của CLB, chàng tân sinh viên Huỳnh Thế Nhân (lớp Thú y 13) hào hứng: “Vào học tại trường được hơn 1 tháng, em đăng ký tham gia CLB. Không giống với các bạn trong đội, đây là lần đầu tiên em được tiếp xúc với cồng chiêng thật thế này, cảm giác lần đầu đánh lên tiếng chiêng thấy thích thú, thoải mái và vui vẻ lắm”.
CLB Cồng chiêng của Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên được thành lập từ năm 2012, đến nay duy trì được 2 đội với tổng số 25 thành viên là học sinh, sinh viên theo học tại trường. Anh Mai Hồng Song, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Bộ cồng chiêng của nhà trường hiện có là vinh dự được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tặng nhân dịp về thăm trường, đó là bước khởi đầu để hình thành nên CLB cồng chiêng, nơi tập hợp các em có niềm đam mê đặc biệt với văn hóa truyền thống. Ngoài việc tập đánh chiêng, các em còn kết hợp tập các điệu múa truyền thống của người Êđê. Đây là sân chơi nhằm tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, tinh thần vui tươi, giúp các em hòa nhập, gắn bó với trường lớp. Đồng thời có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Từ khi thành lập đến nay CLB Cồng chiêng đã tổ chức tập luyện và tham gia nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm truyền thống của trường, biểu diễn tại các chương trình, hội diễn trong và ngoài tỉnh và đạt được nhiều thành tích. Thầy Hoàng Ngọc Chí, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên là ngôi trường có đặc thù riêng bởi đa số các em học sinh theo học tại trường là dân tộc thiểu số. Bên cạnh thi đua dạy tốt, học tốt, nhà trường chú trọng việc định hướng cho các em giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ vừa phát huy thế mạnh về văn nghệ truyền thống trong nhà trường đồng thời cũng là giải pháp để tăng cường các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi đắp thêm tình yêu cội nguồn văn hóa trong sinh viên”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc