Multimedia Đọc Báo in

Phải chăng bưu điện văn hóa xã không còn hấp dẫn người dân?

11:30, 11/11/2014
Cách đây hơn chục năm, vào những năm 2000, mô hình bưu điện văn hóa xã được ngành Bưu điện cho xây dựng ở hầu hết các xã trong cả nước, với ý tưởng ban đầu là giúp người dân ở các xã được tiếp cận với nguồn thông tin, sách, báo phong phú.
 
Đáng lưu ý là việc gọi điện thoại khi ấy không như bây giờ. Tại nhiều điểm bưu điện văn hóa xã, khách muốn gọi điện thoại phải đăng ký trước, hoặc phải bốc số xếp hàng mới được đàm thoại. Phải nói rằng bưu điện văn hóa xã lúc ấy luôn tấp nập người vào ra: người đến đọc báo, người nghe, gọi điện thoại. Thời gian đầu các tờ báo, tạp chí ở bưu điện văn hóa xã rất phong phú. Ngoài các đầu báo chính như: Nhân dân, Văn hóa, Báo Dak Lak, Nông thôn ngày nay… còn có các đầu báo do các cơ quan tặng. Người dân rất phấn khởi được đọc báo miễn phí, nắm được tình hình trong nước, quốc tế và nhiều vấn đề đang diễn ra ngay trên địa phương mình. Báo về bưu điện văn hóa xã lúc ấy rất đều đặn.

Tuy nhiên, đến nay bưu điện văn hóa xã trở nên đìu hiu, nếu không muốn nói là nhiều điểm bưu điện văn hóa xã đã đóng cửa im ỉm suốt ngày, hoặc chỉ nhận, phát bưu phẩm cần thiết, thậm chí đã được sử dụng vào mục đích khác. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng đầu tiên phải kể đến là chế độ cho nhân viên phục vụ tại các điểm bưu điện văn hóa xã quá thấp mà lại không được đóng bảo hiểm xã hội. Thứ hai là do các phương tiện, công nghệ thông tin phát triển quá nhanh; hầu hết ai cũng có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại di động nên không phải vào bưu điện văn hóa xã để gọi điện nữa. Thứ ba là, không rõ vì sao các điểm bưu điện văn hóa xã từ lâu đã bị cắt các loại báo chính, còn báo tặng cũng chẳng có mấy tờ, nên không thu hút được người dân đến đọc báo. Bên cạnh đó, một số bưu điện văn hóa xã có nối mạng Internet, nhưng hầu như cũng chỉ phục vụ trẻ em đến chơi điện tử là chính…

Rất mong ngành chức năng sớm xem xét để “vực” các điểm bưu điện văn hóa xã trở lại hoạt động có hiệu quả như thời gian đầu mới triển khai; đặc biệt là cần tăng cường thêm các sách, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của người dân.

Nguyễn Tiến Tỏa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.