Multimedia Đọc Báo in

Lưu giữ tinh hoa nghề dệt

14:22, 21/02/2015

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ sở sản xuất, mua sắm trang thiết bị, đồng thời tổ chức cho nghệ nhân tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số làng nghề truyền thống, qua đó góp phần gìn giữ, truyền dạy nghề dệt truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Bà H’Lil M’Lô (tên thường gọi là Amí Thin) ở buôn Tring A (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) năm nay đã gần 75 tuổi, ba thế hệ trong gia đình đều làm nghề dệt thổ cẩm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi mắt Amí Thin vẫn còn rất sáng, đôi tay thoăn thoắt luồn từng đường kim trên tấm thổ cẩm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, Amí Thin tâm sự: “Thổ cẩm ở buôn Tring A đã có từ rất lâu rồi. Từ thuở bé người con gái đã theo mẹ lên rẫy trồng bông, tách hạt, kéo sợi để dệt thổ cẩm nhưng qua nhiều năm vì khó tiêu thụ sản phẩm nên những khung dệt ở buôn Tring dần bị lãng quên. Lũ trẻ giờ đây ít biết đến nghề dệt thổ cẩm, chúng bảo làm khó quá, nhiều công đoạn không làm được. Số người theo nghề nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”. Trước nguy cơ nghề truyền thống của dân tộc bị mai một, từ năm 2003 đến nay, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring A do Amí Thin làm Tổ trưởng được thành lập và đi vào hoạt động. Ngày đầu mới thành lập chỉ với 25 thành viên, Tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ khó khăn... Tuy nhiên, Amí Thin cùng các chị em trong tổ từng bước khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách đem đi bán lẻ hoặc trưng bày sản phẩm tại nhà. Bản thân Amí Thin phải chạy vạy khắp nơi để giới thiệu sản phẩm của mình làm ra. Sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, thổ cẩm của buôn Tring A đã được nhiều người biết đến bởi độ bền cao, màu sắc đẹp mắt… 

Chị H'Yam (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn chị em trong HTX dệt thổ cẩm.
Chị H'Yam (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn chị em trong HTX dệt thổ cẩm.

Đến nay, không chỉ có người dân trong tỉnh mà còn có nhiều người ở tận Bình Định, Gia Lai, Kon Tum cũng đến đặt hàng. Ở buôn Tring A, sản phẩm thổ cẩm do các nghệ nhân làm ra rất phong phú và đa dạng như: quần, áo truyền thống, khố, váy, khăn trải bàn, địu con, túi xách, ví... Thời gian gần đây do nhu cầu thị trường nên sản phẩm dệt của buôn Tring A chủ yếu là những đơn đặt hàng theo mẫu, các hoa văn cũng được các nghệ nhân cải tiến để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Không chỉ quán xuyến Tổ hợp tác, hàng ngày Amí Thin còn đến từng gia đình người Êđê trong buôn vận động con em theo học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị H’Yen Niê có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đã được Amí Thin giới thiệu vào Tổ hợp tác buôn Tring A. Hàng ngày sau giờ lên rẫy, H’Yen lại đến nhà Amí Thin để được các nghệ nhân truyền dạy cho cách dệt thổ cẩm. Sau một năm được chỉ bảo tận tình, H’Yen Niê đã thành thạo dệt các loại thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Hai người con gái nhỏ của H’Yen cũng học mẹ và biết dệt thổ cẩm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình...

Ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) nhiều người biết đến HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam Bkrông làm Chủ nhiệm. Với sự cống hiến, gắn bó trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, chị H’Yam vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2003, chị H’Yam đã đứng ra vận động chị em ở buôn Tơng Jú và buôn Bông thành lập HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông vừa để lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc, vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Ban đầu HTX không có ai biết nghề nên chị em đã tự góp tiền mua chỉ và mời nghệ nhân về dạy. Những sản phẩm thổ cẩm đầu tiên làm ra không thể tiêu thụ do không tìm được thị trường và thiếu tính sáng tạo. Không nản lòng, chị H’Yam đã tự bỏ vốn gần 300 triệu đồng để duy trì hoạt động và tìm hướng đi mới cho HTX. Chị mạnh dạn tự mày mò dệt nên những bộ thổ cẩm cải tiến như: váy ngắn, áo cổ tròn, đặc biệt là các loại ví và túi xách với nhiều hoa văn lạ hơn. Sau đó chị mang sản phẩm đi giới thiệu, trưng bày ở các cuộc triển lãm trong nước. Các sản phẩm do chị làm ra đều rất bắt mắt, nhỏ gọn, giá thành hợp lý nên đã dần được thị trường đón nhận và có bạn hàng lâu dài. Có đầu ra ổn định, chị H’Yam đã tập hợp chị em để tiếp tục mở lớp dạy nghề cho hội viên, sản xuất thổ cẩm theo hướng hàng hóa, phong phú đa dạng hơn.

Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 42 xã viên và 60 lao động thời vụ. Các nghệ nhân đã dệt thành thạo 52 sản phẩm thổ cẩm truyền thống, thu nhập của xã viên cũng tăng lên từ 1,7 - 2 triệu đồng/người/tháng. HTX hiện đang hợp tác với Công ty Du lịch Vạn Phát mở tour du lịch cộng đồng, giới thiệu đến du khách những nét đặc sắc về thổ cẩm và văn hóa của người Êđê. Ngoài ra, chị đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, 2 đội múa dân tộc, 1 đội nấu ăn và 6 điểm nghỉ ngơi cho du khách khi đến buôn tham quan. Theo chị H’Yam, để nghề dệt truyền thống sống được, phải đổi mới và đa dạng hóa loại hình sản phẩm, đưa nó trở thành sản phẩm du lịch để quảng bá giới thiệu đến du khách vừa tạo thêm việc làm, vừa giữ gìn được nghề truyền thống...

Toàn tỉnh hiện có hơn 10 HTX, tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vẫn biết nghề thổ cẩm còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng có thể thấy, việc làm của Amí Thin hay chị H’Yam BKbông rất đáng được trân trọng và cần được nhân rộng hơn.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.