Đặc sắc lễ hội Mục đồng làng Chiêm Sơn
Sau Tết Nguyên đán, vào ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) hằng năm, dân làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) lại tổ chức lễ hội Mục đồng. Đây là lễ hội gắn liền với huyền thoại về Bà Đá làng Chiêm Sơn, một vị Phúc thần trong văn hóa tâm linh của cư dân địa phương.
Lâu nay, nói đến lễ hội Mục đồng của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), người ta thường nhắc đến lễ hội Mục đồng của người dân làng Phong Lệ (nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Song ít ai biết rằng ở làng Chiêm Sơn – một ngôi làng nằm ven sông Thu Bồn thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo liên quan đến lễ hội về Thần nông và Mục đồng.
Tái hiện phần thi nghé trong lễ hội Mục đồng của làng Chiêm Sơn. |
Lễ hội Mục đồng làng Chiêm Sơn xuất phát từ truyền thuyết về Bà Đá. Chuyện kể rằng: tại một cồn cát ven sông Thu Bồn thuộc làng Tây An, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, sau một đêm mưa to gió lớn xuất hiện một tảng đá đen có hình dáng giống một người đàn bà. Thấy tảng đá có hình lạ, người dân trong làng gọi bằng cái tên tâm linh là Bà Đá. Từ khi xuất hiện tảng đá, không hiểu sao trong làng xảy ra nhiều chuyện lạ. Thế rồi một ngày nọ xảy ra chuyện động rừng. Bà con vùng này vốn nghe đến chuyện “động rừng” là khiếp vía, sợ hãi vì lẽ, khi động rừng sẽ có nhiều thú hoang, thú dữ từ ngọn núi Cẩm Nhọn phía Tây về làng bắt heo, trâu bò hay phá hoại mùa màng. Nhưng lần này, khi đoàn thú dữ đến làng Tây An gặp Bà Đá thì chúng sợ hãi và chạy một mạch về rừng. Càng kỳ lạ hơn, vào tháng 7, tháng 8 khô hạn bỗng dưng trời lại đổ mưa giúp cây cối, lúa bắp trở lên tươi tốt. Từ những sự kiện đó, nhân dân trong làng cho rằng Bà Đá là vị “Phúc thần” từ trên trời hạ giới xuống trần gian cứu giúp nhân dân. Tiếng lành đồn xa, từ khắp nơi trong và ngoài làng, nhân dân tìm về làng Tây An để thỉnh Bà mong được Bà Đá ban phúc lành nhưng tượng đá quá nặng không sao nhích nổi, không một ai thỉnh Bà Đá được. Trong một lần chăn thả trâu ở cồn cát ven sông Thu Bồn, tám đứa trẻ chăn trâu (mục đồng) làng Chiêm Sơn rủ nhau đem dây thừng và nhiều cây tre chắc tìm đến tượng Bà Đá để thử vận may. Không ngờ, tám đứa trẻ đã thỉnh được Bà Đá về làng. Bọn trẻ định thỉnh Bà đến thờ ở chùa làng Chiêm Sơn đặt phía sau tượng Phật. Nhưng vừa đi được một đoạn còn khoảng 300 mét thì bỗng dưng dây thừng lại đứt, tượng Bà Đá rơi xuống rồi như có phép thần, tượng Bà Đá bám chặt vào đất mà càng nặng thêm, không sao nhấc lên được nữa. Trong đêm đó, Bà Đá hiện về báo mộng rằng bà là một vị thần thường gọi là Bô Bô Phu Nhân đã chọn nơi đây trú ngụ. Các bô lão trong làng Chiêm Sơn cùng nhau họp bàn và quyết định xây dựng một cái miếu nhỏ bằng tre để thờ Bà. Trong quá trình làm miếu thì những đứa trẻ mục đồng cũng góp công sức. Ngôi miếu hình thành, mặt nhìn về hướng Đông Nam, nơi mà bà con đã phát hiện ra tảng đá thần kỳ đó.
Từ khi lập miếu thờ Bà Đá thì dân làng Chiêm Sơn đều làm ăn may mắn, gia đình sum họp, sum vầy. Để đền đáp công ơn Bà đối với dân làng và để nhớ đến những đứa trẻ mục đồng làng Chiêm Sơn có công khiêng Bà về làng, hằng năm cứ đúng vào ngày 15 tháng 3 (Âm lịch), dân làng Chiêm Sơn lại tổ chức lễ hội Mục đồng. Để chuẩn bị cho lễ hội, những gia đình chăn nuôi góp các loại bánh, trái cây miệt vườn và tiền của tổ chức lễ vật cúng Bà. Lễ vật cúng Bà trong lễ hội Mục đồng khá đơn giản gồm: một con gà trống tơ chưa biết đạp mái luộc chín, một mâm xôi và chè ngọt (12 chén), hương, hoa, đèn, trà, rượu. Việc cúng tế do ông lão nông lớn tuổi đại diện trong làng phụ trách. Trong phần lễ, có đọc bài văn tế. Đây là bài văn tế được lưu truyền qua nhiều đời còn lưu giữ đến ngày nay. Sau khi lễ tế xong, các lễ vật được các mục đồng đem đi phân phát đều cho trẻ em trong làng.
Sau phần lễ, làng tổ chức phần hội với phần đua nghé. Đây là phần thi hấp dẫn mà các mục đồng làng Chiêm Sơn đều háo hức chờ đợi. Theo quan niệm, muốn giành chiến thắng, nghé trước khi đưa vào thi tài được các mục đồng dẫn ra sông, suối tắm rửa sạch sẽ. Có mục đồng còn chăm chút, trang điểm cho nghé của mình như đeo vòng hoa ở cổ, trang điểm ở sừng, có nghé được mục đồng đeo hình con cúi bằng rơm, có nghé lại được buộc một bông hoa dâm bụt trên sừng… Theo quy định, cuộc đua gồm 8 nghé và trên mỗi lưng con nghé đều được đánh số theo hình thức bốc thăm trước đó. Cuộc thi nghé bắt đầu bằng một hồi trống giục do lão nông lớn tuổi đại diện trong việc lễ tế Bà trước đó thực hiện. Từng chú mục đồng cỡi trên lưng con nghé của mình lần lượt đi từ đồi này qua đồi khác quanh làng. Những chú nghé nào khỏe sức, dai sức, đi nhanh là được ban tổ chức lựa chọn để trao giải. Chủ của con nghé đoạt giải được các trẻ mục đồng khác cùng nhau rước kiệu về làng trong tiếng hò reo vui của dân làng.
Ngày nay, trong khi ở một số nơi, lễ hội Mục đồng dần bị mai một thì ở làng Chiêm Sơn, lễ hội Mục đồng luôn được tổ chức đều đặn hằng năm. Đây là một nét son tự hào về truyền thống văn hóa làng xã của người dân đất Quảng.
Nguyễn Văn Gia Phúc
(Bảo tàng tỉnh Quảng Nam)
Ý kiến bạn đọc