Multimedia Đọc Báo in

Rủ nhau đi khai hạ làng Mường

09:57, 14/03/2015
Lễ khai hạ của đình Thịnh Lang, xóm người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) năm nào cũng được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng. 

Người Mường ở ven TP. Buôn Ma Thuột, vốn gốc tại huyện Kim Sơn (Hòa Bình) di cư vào đây từ năm 1952. Thời gian đã mang những vị lão thành mở đất đầu tiên “thân gửi Ban Mê, hồn về với Mường Bi, Mường Vang”; tuy nhiên cụ chủ đình hiện tại Nguyễn Văn Quân thì còn nhớ rõ lắm: cái đận ta - địch đánh nhau to ở Hòa Bình, giữa hai làn đạn dân Mường dắt díu nhau, gồng gánh trên vai cứ thế mà chạy, đến khi không còn sức đi nữa dừng lại mới biết mình đã xa ngái thế. Vùng đất này vốn của bà con người Êđê buôn Komleo với tập quán luân canh, cây ớt trồng trên rẫy hết cay là chuyển đi phát rẫy mới, vài chục năm sau mới quay lại nơi cũ. Nhóm người Mường Kim Sơn đầu tiên đặt chân tới xứ sở Tây Nguyên đã được chia sẻ đất đai, để rồi sinh con đẻ cháu, đời này nối tiếp đời kia. Có dòng họ đã đưa nhau tìm đường về Kim Sơn, rồi lại dắt díu trở về Buôn Ma Thuột.

Người Mường đi đâu cũng vẫn giữ hồn cốt của phong tục tập quán dân tộc mình. Ở đâu thì cũng phải có cái đình. Đình không chỉ thờ Thành hoàng, mà còn là nơi tụ tập bàn việc của cả cộng đồng. Năm nào, tối  27 Tết, các bô lão trong làng đều ra đình làm lễ tế. Lễ xong, tất cả dao rựa, cuốc xẻng đều phải được treo lên, cho “nó” nghỉ ngơi. Cả làng chỉ còn lo chuẩn bị ăn tết, giàu nghèo gì cũng không ai chặt cây, cuốc cày hay làm gì với đồng ruộng nữa. Ba ngày Tết qua đi, 12 giờ đêm mùng 6, các cụ của mọi dòng họ lại tập trung ra đình khấn vái, xin cho hạ cuốc, hạ dao, để sáng mùng 7 làm cỗ bàn, chặt cây cho các trò chơi dân gian sau lễ khai hạ.

Tấu  chiêng mừng lễ khai hạ  của  người Mường.
Tấu chiêng mừng lễ khai hạ của người Mường.

Ngôi đình bé nhỏ, xây dựng đơn sơ nhưng vẫn là hồn cốt của cả làng. Cụ thủ từ đến sớm nhất, trải chiếu dọc hai bên cánh gà. Treo chiêng lên. Đến lượt các cụ bà váy áo xúng xính, khăn trắng đội đầu, lần lượt rủ nhau ngồi xuống, 12 chiếc chiêng lớn nhỏ bắt đầu tấu lên những âm thanh vui vẻ đầu tiên. Hai cụ chủ đình và thủ từ đã xúng xính khoác lên mình chiếc áo lương và trang trọng đặt mũ vành dây lên đầu. Mấy thanh niên trong ban tổ chức (do làng cử) từ sáng sớm đã lo chặt tre, hì hụi cùng nhau dựng cột cho các trò chơi. Quan trọng nhất là cỗ bàn để dâng trời đất, Thành hoàng, tổ tiên. Lần lượt quay vòng mỗi năm hai gia đình được vinh dự làm cỗ cho cả làng. Giữa lòng đình, cụ từ đã trải sẵn năm chiếc chiếu hoa đỏ lần lượt từ trên xuống. Chiếc đầu tiên dành cho cụ chủ  và các cụ cựu chủ đình, chiếu thứ hai là các bô lão, chiếu thứ ba dành cho khách, phụ nữ ngồi chiếu thứ tư, chiếc thứ năm trải ngược mặt trái lên dành cho những gia đình trong năm có tang. 20 mâm cỗ được dọn ra bày trên bốn chiếu để kiểm tra lại trước khi vào lễ, 6 mâm trên cùng đặt trên bàn thờ Thành hoàng có thêm sáu con gà luộc, các mâm còn lại, ngoài rượu còn phải có 4, 5 chén xôi, lá chuối thay đĩa đựng tú hụ thịt heo luộc đủ thứ (mâm cúng trời đất còn có thêm hai miếng thịt heo sống), đĩa muối trắng, chén muối vừng… Cỗ bàn bày xong, cụ từ đứng ra xin phép cho vị chủ đình bắt đầu việc tế lễ. Đầu tiên là tế trời đất ngoài bìa đình. Bên cạnh mâm cỗ còn có mô hình một chiếc thuyền, khi nào xong cụ chủ đình sẽ thả con thuyền xuống sông mang mọi rủi ro, vận hạn của cả làng trôi đi biệt tăm. Tiếp đến là lễ tế Thành hoàng và tổ tiên trong đình. Sau cùng là lễ tế xuân ở ngoài sân. Tuần tự như thế là xong phần lễ, những  thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm hy vọng vào một mùa bội thu, một năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên cho cả bản mường đã được gửi đi.

Các bậc cao niên và khách mời thụ lộc xong rồi, phần hội sẽ bắt đầu cho trai gái không chỉ đua tài mà còn làm quen, trao duyên. Trò đập heo đất (heo đất treo một hàng dài, bịt mắt đập trúng là bên trong có thưởng) chắc dễ chơi nhất; trò leo lấy quà trên đỉnh cột mỡ cũng hấp dẫn nên đã thấy có trai tráng đăng ký. Cuộn dây chuẩn bị cho cuộc kéo co để sẵn trên thềm. Góc đường, trên đỉnh cột cao tít, tấm giấy hồng điều bịt kín vòng tròn chờ những bàn tay gái trai sẽ quay quay quả còn gửi trao qua lại. Tiếng chiêng bong binh, tiếng trống thùng thình điểm nhịp gọi mời khách xa khách gần náo nức đổ về sân đình dự hội. Này là hai cô sinh viên khoa Mầm non và Tiểu học Trường Đại học Tây Nguyên xinh như hoa hậu xúng xính trong váy áo Mường dẻo tay hòa nhịp chiêng theo các bà các mẹ, hay thúc trống báo chuyển lễ. Này là tốp khách từ TP. Buôn Ma Thuột khoe năm nào cũng đưa bạn Sài Gòn tới vui chung

Nụ cười hồ hởi của đám phụ nữ dắt theo bầy trẻ lít nhít tụ tập vừa cho bọn trẻ ăn sáng, vừa nhấp ngụm nước giải khát, sẻ chia những tháng ngày bận rộn hay chuyện buồn vui của mỗi nhà. Nhóm các bà, các mẹ ngồi bên dàn chiêng móm mém nhai trầu, ấm áp mở lời chào đón  những vị khách là lãnh đạo xã, thành phố ghé qua thăm hỏi, chúc mừng…

Dẫu không còn chuyên canh lúa nước và chuyển gần hết diện tích sản xuất sang cây cà phê nhưng năm nào hai làng Mường ven TP. Buôn Ma Thuột cũng tổ chức bốn lễ trọng, đều diễn ra ở các đình làng: Lễ khai hạ đầu xuân, lễ cầu mưa đầu tháng 5, lễ rửa lá lúa vào rằm tháng 7 và lễ ăn cơm mới vào giữa tháng 10... Đó là những lúc để con người giao hòa với các vị thần linh, gặp gỡ, cùng chung trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng mọi buồn vui của cuộc sống.

Xuân này thắp nén nhang thơm nơi đình Thịnh Lang, không chỉ cầu cho quốc thái dân an, mà còn cầu cho bà con người Mường trên cao nguyên Ban Mê có một vụ mùa bội thu, giữ mãi được hồn cốt Mường Bi, Mường Vang tốt đẹp bao đời của cha ông.                                                                      

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.