Khơi dậy "sức sống cội nguồn"
Tiết mục múa M’cam Rốc (múa mừng mùa) do tốp nghệ nhân và diễn viên của các tỉnh Tây Nguyên mở đầu chương trình giao lưu đã mang đến những hình dung về Tây Nguyên tràn đầy sức sống. Qua các ca khúc: Những chàng trai những cô gái (triển dân ca K’ho của Kra Jan Dick), Cô gái Dariam (Đình Nghĩ), màn biểu diễn thời trang dân tộc truyền thống, đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh Lâm Đồng mang đến cho người xem những cảm nhận về một Tây Nguyên đầy nắng gió mà hiền hòa, yêu thương, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em: Mạ, K’ho, Chu Ru… Tiếng suối như tiếng hát buôn làng/ Tiếng suối như mái tóc người thương/ Nghe xốn xang tiếng Nơ - lang gọi/ Ơi quê hương, ơi cô gái Dariam…
Một tiết mục giao lưu của đoàn Dak Lak. |
Nếu những nghệ sĩ của Lâm Đồng mang đến cho người xem một Tây Nguyên tràn đầy sức sống, thì qua các ca khúc Tháng Ba Tây Nguyên, Bài ca quê hương và múa Cao Nguyên vào hội do các nghệ sĩ Dak Lak biểu diễn lại là sự cảm nhận về một Tây Nguyên thật ngọt ngào, lãng mạn: Tháng 3 mùa hoa pơ – lang đang nở/ cho con công múa cho con cá bơi/ Tháng 3 tay em dệt khăn hồng/ thêu cánh chim trời cho người em mến/ Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà/ phòng khi qua những đêm ngày giông bão/ Tháng 3 trời trong xanh như suối ngàn/ cho em múa hát cho anh đánh chiêng/ Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng/ em ca giọng vọng vút mây xanh…
Cũng như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Bana tỉnh Kon Tum, người M’nông ở Dak Nông trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một nét bản sắc văn hóa riêng biệt... Hòa cùng với những quy luật lịch sử phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa của cộng đồng có nhiều thay đổi, song họ vẫn gìn giữ, bảo tồn được nét độc đáo của dân tộc mình. Không gian văn hóa công chiêng được các nghệ nhân đến từ tỉnh Kon Tum, Dak Nông tái hiện rõ nét, đậm bản sắc qua tiết mục: Hát giao duyên Bat Wơchdel delchxo (Nhớ chuyện ngày xưa) – dân ca Bana; Hòa tấu chiêng và múa xoang Dihto Moi (đón khách); Bình minh trên cao nguyên M’nông, Chiều đại ngàn; Diễn tấu chiêng M’nông, múa Pít tơ chơ, Cing ngăn (Đón khách)…
Tây Nguyên quyến rũ nồng nàn của hương cà phê, Tây Nguyên huyền thoại giàu truyền thống anh hùng, cách mạng, Tây Nguyên hồn hậu mến khách, Tây Nguyên giàu bản sắc… Chương trình giao lưu nghệ thuật khép lại bằng tiết mục hát múa Buôn Ma Thuột cà phê nhưng những âm hưởng, giai điệu về Tây Nguyên, Dak Lak, Buôn Ma Thuột vẫn làm say lòng những ai yêu mến xứ sở cà phê giàu truyền thống văn hóa này. Có thể khẳng định, đây là một trong những hoạt động góp phần tạo nên sự thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015, góp phần quảng bá quê hương con người của Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế các dòng sản phẩm, nông lâm sản, du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Thu Hương – Giang Nam
Ý kiến bạn đọc