Độc đáo tục thờ linh hồn người sống của người Vân Kiều
Phải qua ba công đoạn mới lập được ban thờ linh hồn sống của một đứa trẻ vừa ra đời. Ba ngày sau khi sinh đứa trẻ, bố mẹ chuẩn bị hai con gà rồi mời thầy cúng về làm lễ. Trước ban thờ gia tiên, người mẹ vừa ẵm đứa bé trong lòng vừa cúi gập người xuống, thành kính báo cáo với ông bà về thành viên mới của gia đình, cầu mong tổ tiên chở che, phù hộ cho đứa bé hay ăn, chóng lớn. Ngày chẵn tháng đứa bé, gia đình chuẩn bị một thủ lợn tiếp tục trình bày với ông bà tổ tiên xin phép đặt tên cho cháu. Mãi sau này con cháu người Vân Kiều mới được vinh dự mang họ Bác Hồ chứ ngày trước họ lấy những cái tên nguyên thủy như: Bàn tay lớn, ngón chân cái, sừng trâu, đầu gấu... Và khi đứa trẻ một tuổi, người nhà phải chuẩn bị một con lợn để cúng xin phép tổ tiên, linh hồn và thần bổn mạng của đứa bé để làm một “cái vía” gồm một bát sành có hoa văn được bao bọc bằng cái giỏ tre mà họ tự đan lấy rồi đặt cùng một dãy với các “vía” khác trong gia đình. Ấy là lúc đời người Vân Kiều khởi đầu tập tục thờ cúng linh hồn người sống.
Ban thờ linh hồn người sống của đồng bào Vân Kiều. |
Kỹ càng và phức tạp hơn chính là tục lệ thờ hồn sống của những đứa trẻ trai. Vừa chào đời, bé trai sẽ được già làng làm lễ cúng rước linh hồn từ trời xuống. Ông sẽ dùng một sợi chỉ đỏ được nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng buộc vào cổ tay đứa bé rồi khấn vái cho nó khỏe mạnh, lực lưỡng tựa thần rừng, thần núi để chống chọi lại với tai ương, bão tố của cuộc đời khi lớn lên. Đến tuổi 18, gia đình sẽ mời già làng tiếp tục làm lễ cúng để mừng cái linh hồn lâu nay đã lớn dần lên cùng với thể xác. Nghi lễ trưởng thành này tựa như lời tuyên bố mạnh mẽ của chàng trai: “Từ nay tôi đã đủ sức cáng đáng việc nhà, tinh tường khi đi sắn bắn, bản lĩnh để bảo vệ gia đình, người thân yêu và bản làng trước thú dữ, thiên tai khắc nghiệt”. Ngày giỗ của linh hồn chàng trai đang sống sẽ được tổ chức vào ngày 18-8 (âm lịch) hằng năm, gia đình sẽ mổ những con trâu, heo, gà săn béo nhất để thiết đãi họ hàng, làng bản.
Trong trường hợp người dân tộc khác muốn nhập vào bản làng thì cúng một con gà hoặc người Vân Kiều đi ra khỏi bản phải cúng một con lợn cho chính linh hồn sống của bản thân. Với người phụ nữ theo chồng cũng vậy, họ phải tiến hành các nghi thức xin chuyển linh hồn từ nhà mẹ đẻ về nhà chồng để tiện thờ cúng. Ở nhà mẹ đẻ thì lễ vật cúng là con gà để thông báo với ông bà tổ tiên rằng linh hồn của mình đã về bên nhà chồng, còn phía nhà chồng phải cúng một con lợn và ba miếng trầu đã têm hoàn chỉnh. Hễ là người Vân Kiều khi đã được lập bàn thờ để thờ cúng chính linh hồn mình đang sống rồi thì việc làm lễ cúng cho vị thần bổn mạng của người đó sẽ diễn ra bất cứ khi nào và không tuân theo trình tự ngày tháng. Có thể đó là khi linh hồn người sống đòi hỏi, tức là trong đời sống mưu sinh hằng ngày có những dịch bệnh, điều không may mắn sẽ xảy đến. Khi ấy người Vân Kiều nghĩ ngay đến linh hồn sống đang đòi hỏi phải làm lễ cúng tế. Muốn biết được đích xác thần bổn mạng đang đòi hỏi hay không thì phải gặp thầy cúng, nếu thầy phán đúng thì người đó phải lập tức về chuẩn bị lễ vật gồm gà, lợn, trâu tùy theo linh hồn đòi hỏi.
Tục thờ linh hồn sống duy trì cho đến ngày con người ta chết đi. Đến nay, dù cuộc sống hiện đại hơn nhưng trong mỗi ngôi nhà của người Vân Kiều, ban thờ hồn sống vẫn được đặt ở vị trí cao nhất. Đó là niềm tin, là tâm nguyện, là sự khắc khoải nguồn cội của người Vân Kiều.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc