Multimedia Đọc Báo in

Lấy bản sắc văn hóa làm điều kiện phát triển

08:53, 27/06/2015

Bản sắc văn hóa là vốn tài nguyên vô cùng quý giá, giúp cho mỗi cộng đồng dân tộc lấy đó làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình. Trong thời buổi hiện nay, hơn bao giờ hết - vốn tài nguyên ấy được các cá nhân, tổ chức và cộng đồng các dân tộc khai thác, vận dụng nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Nhìn từ du lịch...

Có thể nói, ngành du lịch cả nước nói chung cũng như Dak Lak nói riêng đã tỏ ra nhanh nhạy trong việc nắm bắt, khai thác bản sắc văn hóa đa dạng của mỗi cộng đồng người bản địa để hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách. Bản sắc văn hóa ấy đã được nhiều doanh nghiệp làm du lịch biến thành các sản phẩm hết sức cụ thể, độc đáo và sinh động.

Điều đó dễ thấy nhất là tại Khu du lịch sinh thái văn hóa – văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP Buôn Ma Thuột). Tại đây, bản sắc văn hóa của người Êđê - từ kiến trúc, ẩm thực cho đến nhiều yếu tố khác đã được chủ nhân của nó khai thác và vận dụng như một lợi thế cạnh tranh thật sự có hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, phụ trách khu du lịch cho hay: trong không gian sống còn mang đậm dấu ấn cổ xưa là rừng cây, bến nước trong lành, thì những ngôi nhà dài truyền thống (nguyên bản, hoặc cách điệu) được dựng lên đã góp phần tạo nên điểm nhấn khá ấn tượng trên bản đồ du lịch Dak Lak nói chung, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến khám phá và tận hưởng. Được ngồi trong ngôi nhà dài để nhâm nhi ly cà phê, hay thưởng thức món ăn của người dân tộc thiểu số như cơm lam, gà nướng, cà đắng, măng le, rau rừng… là trải nghiệm vô cùng thú vị đối với bất kỳ ai khi đến với khu du lịch trên. Theo bà Ngọc Anh, làm du lịch mà không tạo ra được cái khác lạ, độc đáo so với mặt bằng chung thì không thể trụ vững và phát triển được. Sự khác lạ và độc đáo ấy, tất nhiên phải dựa vào bản sắc của mỗi cộng đồng, cư dân trên địa bàn. Khu du lịch mang tên “cộng đồng Kô Tam” đã thể hiện đầy đủ ý tưởng đó. Bản sắc của tộc người Êđê ở đây không còn là khái niệm văn hóa phi vật thể nữa, mà được hiểu và được xem như giá trị vật chất cụ thể và hiện hữu. Ví như những ngôi nhà dài truyền thống trong khu du lịch này chẳng hạn, nó là phương tiện để hướng đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp: lấy bản sắc tạo ra sự khác biệt nhằm thu hút và hấp dẫn “thượng đế” đến với mình đôi khi còn hơn cả một chiến dịch truyền thông (quảng cáo) thông thường-bà Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Kiến trúc nhà dài của người Êđê là điểm nhấn tạo ấn tượng cho du khách  khi đến Khu du lịch cộng đồng Kô Tam.
Kiến trúc nhà dài của người Êđê là điểm nhấn tạo ấn tượng cho du khách khi đến Khu du lịch cộng đồng Kô Tam.

Tại những tour, tuyến du lịch văn hóa-sinh thái khác trên địa bàn Dak Lak cũng thế, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc cũng được các doanh nghiệp chú trọng khai thác, tôn tạo để gầy dựng uy tín và khẳng định hình ảnh của mình trong lòng du khách. Có thể thấy, từ nét kiến trúc độc đáo của ngôi nhà dài người Êđê, nhiều doanh nghiệp du lịch như Thanh Hà, Banmexco (Buôn Đôn), hay Dak Lak Tourist (huyện Lak) đã vận dụng và đưa vào xây dựng nơi nghỉ chân có yếu tố hiện đại kết hợp với truyền thống để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách. Chính vì biết khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng và tiêu biểu đó nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của “ngành công nghiệp không khói” ở từng địa phương, cũng như cả nước nên nhiều doanh nghiệp làm du lịch cho rằng đó là hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, đặc biệt là đối với loại hình du lịch văn hóa-sinh thái-cộng đồng đang hình thành ngày càng rõ nét trong nhiều vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Dak Lak.

Đến những hoạt động kinh doanh khác

Có thể nói, sự tìm về với các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt nói chung hiện nay là một trong những lý do để các doanh nghiệp, đơn vị hay cá nhân sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề lấy đó làm tiêu chí xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu.

Chẳng hạn việc mở các hàng quán cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian qua đã cho thấy ý tưởng trên. Hiện nay trên những con phố có quán cà phê kết hợp với ẩm thực đang thu hút khách hàng đến ngày càng đông nhờ họ (chủ quán) biết tận dụng và khai thác yếu tố văn hóa mỗi vùng miền ẩn chứa trong đó. Ví như những quán cà phê Không Gian Xưa, Rêu Phong (đường Y Ngông), Nét Xưa (đường Mai Hắc Đế) hay Làng Cà phê Trung Nguyên (đường Lý Thái Tổ)… đã không ngần ngại đầu tư một khoản kinh phí khá lớn xây dựng những ngôi nhà rường bằng gỗ trong không gian thuần Việt để thỏa mãn nhu cầu tìm về với bản sắc văn hóa cổ xưa của khách hàng.

Từ ngôi nhà rường thuần Việt, cho đến bàn ghế, cách bài trí nội thất trong những quán trên gợi lên nhiều hoài niệm. Và cũng chính sự “gợi” này là một cách quảng bá, đánh bóng thương hiệu của các quán cà phê. Chủ nhân của những quán cà phê trên cho rằng, trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, những giá trị “người ta cần” đã qua đi nhanh chóng và trở nên mờ nhạt trong biển sóng thông tin tràn ngập, giá trị “phải thêm vào” là cái người Việt cần và chỉ có nó mới tạo sức hút mới, đem lại hiệu quả kinh doanh vượt trội. Tất nhiên với sự đầu tư có ý tưởng đó, thực tế cho thấy hiệu quả kinh doanh (cùng ngành nghề) mang lại bao giờ cũng cao hơn so với nơi khác nhờ lấy bản sắc văn hóa làm điều kiện, thậm chí là điều kiện để phát triển. Ở góc độ khác, như thời trang chẳng hạn - nhiều nhà hàng, khách sạn hiện nay, chúng ta thường thấy nhân viên phục vụ mặc áo dài truyền thống nhiều hơn. Điều đó cùng với chất lượng phục vụ tốt và chuyên nghiệp hơn, yếu tố văn hóa thời trang trong các cộng đồng dân tộc (dù thiểu số hay đa số) đã góp phần tạo ra tình cảm, hình ảnh thân thiện cho khách hàng tìm đến, qua đó dần tạo dựng uy tín, thương hiệu và đẳng cấp cho doanh nghiệp.

Rõ ràng, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc trong đời sống là vốn liếng vô cùng quan trọng để cho nhiều người, nhiều lĩnh vực khai thác phục vụ cho mục đích phát triển một cách hiệu quả và bền vững nhất trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc