Multimedia Đọc Báo in

Lớp chiêng trẻ ở buôn Jiê Yuk

11:30, 25/10/2015

Lần đầu tiên một lớp học đánh chiêng dành cho thanh thiếu niên đồng bào dân tộc M’nông Gar ở buôn Jiê Yuk, xã căn cứ cách mạng Đắk Phơi (huyện Lắk), được tổ chức đã mang lại niềm hy vọng gìn giữ truyền thống cha ông của những nghệ nhân già nơi đây.

Gặp chúng tôi ông Y Niêng Du ở buôn Jiê Yuk không giấu nổi niềm vui: “Vậy là tôi cũng đã được truyền dạy cho con em trong buôn những bài chiêng của cha ông rồi”. Sinh ra và lớn lên tại xã căn cứ cách mạng Đắk Phơi từ thuở nhỏ, từng tiếng chiếng đã dần thấm vào tâm hồn ông. Cũng như bao đứa trẻ của buôn ngày ấy, ông Y Niêng Du được cha ông truyền dạy những bài chiêng để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhờ đó, ông đã trở thành một nghệ nhân được đi biểu diễn cồng chiêng ở nhiều nơi trong cả nước và được Bộ Văn hóa –Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác xây dựng hồ sơ “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005. Đi biểu diễn nhiều nơi, được không ít bằng khen, giấy khen nhưng ông Y Niêng vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm là làm sao truyền dạy hết những bài chiêng mà cha ông để lại cho con cháu trong buôn của mình. Và rồi, vào tháng 9 vừa qua, ông mừng lắm khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND xã Đắk Phơi tổ chức lớp dạy đánh cồng chiêng cho 36 em của buôn Jiê Yuk. Y Niêng vui đến không ngủ được mấy đêm liền. Ông cùng với Y Tang Cil, cũng là một nghệ nhân của buôn hết lòng truyền dạy cho các cháu. Ông Y Tang kể: “Ban ngày dù có bận việc đến mấy nhưng cứ tầm chiều, tối lại đến từng nhà vừa động viên và cùng các cháu đúng bảy giờ tối có mặt tại nhà cộng đồng của buôn để học đánh chiêng. Cả buôn có một bộ chiêng đồng 6 cái lớp học được chia ra làm 3 tổ”.

Nghệ nhân Y Tang Cil ôn tập lại bài chiêng cho em Y Khanh Cil.
Nghệ nhân Y Tang Cil ôn tập lại bài chiêng cho em Y Khanh Cil.

Không phụ công của hai nghệ nhân, kết thúc lớp học, các em đã có thể hiểu được cơ bản tiếng chiêng và biểu diễn thành thạo hai bài là: “Chưng ngân” (chào khách) và “Chưng siêng dăng griêng” (kết nghĩa). Em Y Khánh Cil, sinh năm 1998, là học viên của lớp bày tỏ: “Lúc đầu mới tập gõ em và nhiều bạn chưa quen nên tay bị đau và mỏi. Dần dần hiểu được âm điệu và cách gõ thì thấy rất thoải mái. Giờ em đã hiểu rõ cách tập gõ bộ chiêng của người M’nông Gar là đầu tiên phải đánh chiêng mẹ rồi lần lượt các chiêng r’nul, n’dơt, loa, t’hơ và t’hết. Và từ hôm hoàn thành xong khóa học, đúng dịp tổ chức lễ mừng lúa mới, chúng em được đi biểu diễn trong buôn, được mọi người khen chúng em vui lắm. Em nhất định sẽ học thêm và tập gõ các bài chiêng thật hay để sau này có thể dạy lại cho em của mình”.

Niềm vui của hai nghệ nhân cũng như của các em học đánh chiêng có lẽ cũng là niềm vui chung của người dân trong buôn Jiê Yuk. Ông Y Thiêng Cil, trưởng buôn Jiê Yuk tâm sự: “Mấy hôm rồi thấy các nghệ nhân và các em rất vui khi học đánh chiêng, tôi càng thấm thía giá trị truyền thống của cha ông trong những tiếng chiêng”. Còn anh Y Hai Kbin cán bộ văn hóa xã Đắk Phơi thì cho biết: “Những lớp dạy chiêng như thế này là rất cần thiết. Vừa rồi, lớp học mở có 1 tháng các em đã rất ham học, bên cạnh đó, lớp chỉ mới dạy được những bài cơ bản, mà các nghệ nhân còn rất nhiều điều muốn truyền đạt lại cho em... Hy vọng rằng, sau này sẽ còn nhiều lớp dạy đánh chiêng được mở”.

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc