Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ từ lòng đất Tây Nguyên

17:40, 26/10/2015

Còn nhớ có lần TS Nguyễn Khắc Sử (Viện khảo cổ học Việt Nam) nói rằng: Ai bảo xã hội thời tiền sử ở Tây Nguyên không có, hoặc mờ nhạt và không rõ ràng? Sự ngờ vực ấy đã có lời giải, khi gần đây giới khảo cổ học đã khai quật được nhiều hiện vật tại một số di chỉ tiêu biểu trên vùng đất này nhằm góp phần làm rõ nhiều vấn đề bí ẩn về thời tiền sử và cổ sử ở Tây Nguyên trước đây.

Qua các cuộc khảo cổ tại các di chỉ Buôn Triết (Đắk Lắk), Kiến Đức (Đắk Nông) và đặc biệt là di chỉ Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng (Kon Tum)... với hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ gốm và cả đồ đồng đã cho thấy từ hàng nghìn năm trước đã có con người sinh sống trên vùng đất này qua các thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Đặc biệt, thông qua các hiện vật được phát hiện tại các di chỉ tiêu biểu trên đã góp phần chứng minh nền văn minh của cư dân tiền sử ở đây phát triển khá cao, không thua kém gì các cư dân tiền sử ở vùng Đông Nam Á. Bên cạnh đó người ta còn thấy sự gần gũi, tương đồng với nhau trên các mặt văn hóa giữa cư dân thời tiền sử ở Tây Nguyên với các vùng miền Duyên hải miền Trung và Trung du Bắc bộ.

Nhiều trống đồng được tìm thấy ở Đắk Lắk.
Nhiều trống đồng được tìm thấy ở Đắk Lắk.

Cũng theo TS Nguyễn Khắc Sử, gần trăm năm trước, chưa hề tìm thấy dấu vết nào về thời đại đồ đồng ở Tây Nguyên, thì những năm gần đây các nhà khảo cổ học đã liên tục phát hiện được nhiều khuôn đúc đồng, có xỉ đồng bám theo tại di chỉ Lung Leng (Kon Tum) và An Khê (Gia Lai) - và gần đây nhất là ở vùng Giang Sơn (nằm giữa huyện Krông Bông - Lắk), người ta đã tìm thấy nhiều lưỡi rìu bằng đồng cùng dấu tích cho thấy ở đây đã từng tồn tại một xưởng đúc đồng có quy mô cách đây hơn 2000 năm. Và điều đó đã  góp phần chứng tỏ Tây Nguyên đã từng tồn tại thời đại đồng thau với các trung tâm luyện kim có trình độ, kỹ thuật không kém những vùng, miền khác. Từ đó cũng bắt đầu có cơ sở để nói rằng Tây Nguyên cũng không phải là một vùng văn hóa biệt lập, bởi liên tục trong thời gian qua có khá nhiều trống đồng được phát hiện tại đây. Theo TS Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk), riêng Đắk Lắk đến nay đã phát hiện khoảng 40 trống đồng tại các địa bàn cư trú lâu đời của người Êđê, M’nông bản địa. Điều này đã khẳng định một cách chắc chắn: Văn hóa Việt cổ đã từng xuất hiện khá sớm ở Tây Nguyên thông qua một bộ phận người Việt cổ đã từng đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa với nhiều bộ tộc sinh sống từ rất lâu nơi sơn nguyên này.

Ngoài những chiếc trống đồng được cho là của người Việt cổ được phát hiện ở đây, còn có rất nhiều di tích kiến trúc, văn hóa người Chăm cũng được tìm thấy rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Được biết, ngoài 4 di tích Chăm được khám phá tại Đắk Lắk là Tháp Yang Prông - Ea Súp, Khu quần thể kiến trúc Chăm Krông Ana, giếng Chăm và phế tích Chăm (chưa xác định chính xác là gì) tại Krông Bông, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và khoa học còn tìm thấy nhiều công trình kiến trúc Chăm tiêu biểu ở Gia Lai như tháp Yang Mum, đền Drang Lai, thành Quai King ở huyện AyunPa.

Có thể nói, qua khảo cổ học và công tác nghiên cứu tư liệu lịch sử thì nhiều người cho rằng người Chăm cùng văn hóa của họ đã có mặt và tồn cư trên địa bàn Tây Nguyên ít nhất từ thế kỷ X-XIV. Chính điều đó đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa, xã hội đa sắc của các cư dân ở Tây Nguyên từ thời tiền sử. Từ đó đến nay, trải dài chặng đường lịch sử hàng nghìn năm, đời sống xã hội của các cư dân trên vùng đất này không ngừng thay đổi, biến chuyển để bồi đắp và sản sinh ra nhiều giá trị mới để góp phần làm phong phú thêm dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc