Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở cùng di tích (Kỳ II)

09:37, 19/10/2015

Kỳ II: Hoang phế CADA

Do công tác quản lý, bảo vệ không được phân cấp, phân nhiệm rõ ràng nên không ít di tích lịch sử, danh thắng đang đổ nát, hoang tàn như hiện nay.

Ông Trần Hùng - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh thừa nhận: hiện đang có không ít địa chỉ trong số 22 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trên địa bàn Đắk Lắk (được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia) bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài tháp Chàm Yang Prông (xã Ea Rốk - Ea Súp) ra, có thể nói Đồn điền CADA (xã Ea Yông-huyện Krông Pắc) cũng đang trong tình trạng bị suy giảm chất lượng và xuống cấp  đến mức đáng báo động.

Để “mục sở thị” cảnh báo ấy, tôi lại tìm đến những địa chỉ trên. Người đầu tiên tôi gặp khi đến CADA là chị Cái Thị Loan làm nghề bỏ mối trái cây trên quốc lộ 26 (nối Đắk Lắk - Khánh Hòa), đoạn từ Km13 đến Km47. Chị bảo nhà ở gần di tích đó nên rất rõ mọi chuyện - từ việc quản lý, bảo vệ cho tới chuyện chặt cây, lấn đất rồi tận dụng mặt bằng di tích để làm ăn của người dân sống chung quanh. Khi tôi hỏi chuyện về việc quản lý, bảo vệ đối với di tích này thì chị Loan cho biết: Có mà cũng như không. Một mình ông Thành thì lo sao xuể, lại “bữa đực, bữa cái” lui tới và coi ngó qua loa rồi về nhà, chứ lương “ba cọc ba đồng” thì làm việc hết mình sao nổi. Vì thế mà vài ba năm nay, di tích này trở nên nhếch nhác lắm…

Mái lợp bảo vệ và che chắn xưởng chế biến cà phê trong khu di tích cũng trở nên rách nát và sụp sệ.
Mái lợp bảo vệ và che chắn xưởng chế biến cà phê trong khu di tích cũng trở nên rách nát và sụp sệ.

Tôi đến cổng Đồn điền CADA tìm người bảo vệ để tìm hiểu, nhưng không gặp ai. Anh Thành mà chị Loan nói, sau này khi làm việc với Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - Trần Hùng thì tôi mới hay anh ấy (họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thành) được Sở VH-TT-DL hợp đồng bảo vệ từ lúc hạng mục Miếu thờ CADA được sửa chữa, trùng tu xong cuối năm 2012. Lương bổng được trả cho công tác quản lý, bảo vệ nghe đâu được trích từ kinh phí hành chính, sự nghiệp của Sở chủ quản. Theo ông Hùng, gọi là lương thế thôi, chứ thật ra là khoản hỗ trợ cho anh Thành từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, không rõ lắm! Còn về phía chính quyền xã Ea Yông và phòng VH-TT huyện Krông Pắc - những đơn vị được giao phối hợp quản lý, bảo vệ theo sự phân cấp trách nhiệm của UBND tỉnh thì tuyệt nhiên không thấy khoản chi nào cho công tác này, trực tiếp cho anh Thành - người đứng chân bảo vệ di tích CADA. Hỏi ra thì ai cũng tỏ ra vô tư, ngơ ngác như là “chuyện trên trời” rơi xuống vậy. Ông Đỗ Đức Tâm - Trưởng phòng VH-TT huyện Krông Pắc lắc đầu: “Có thấy văn bản nào giao cho chúng tôi quản lý, bảo vệ đâu. Cái di tích ấy hình như thuộc Sở VH-TT-DL đảm trách cơ mà…”. Còn Phó Chủ tịch xã Ea Yông - Tạ Văn Châm thì loáng thoáng: “Trên giao cho địa phương đây coi sóc, nhưng cụ thể là ai và kinh phí lấy ở đâu ra thì chịu, nên lấy gì mà bảo đảm”.   

Từ câu chuyện quản lý, bảo vệ không được phân cấp, phân nhiệm rõ ràng như vậy, nên di tích lịch sử trên đổ nát, hoang tàn như hiện nay là điều dễ hiểu. Tôi đi quanh một vòng trên địa bàn, từ Km23 đến Km29 dọc theo quốc lộ 26, thọc sâu vào các vùng chuyên canh cà phê xen lẫn khu dân cư của Công ty Cà phê Phước An, Tháng 10... mới thấy bao dấu tích xưa không còn gì. Nào là nhà ở, văn phòng làm việc cho các ông chủ lớn, quản đốc, đốc công, kỹ sư canh nông người Pháp sang đây lập đồn điền, khai thác tài nguyên đều trở thành ký ức. Còn những xưởng máy, kho xăng dầu, bưu điện, trạm y tế… một thời nhộn nhịp phục vụ đắc lực cho chính sách khai thác thuộc địa của “nước Pháp mẫu quốc” đã hoang tàn, mất dạng.

Còn nhớ, khi khảo sát và hoàn thiện hồ sơ để trình các cấp thẩm quyền công nhận khu di tích Đồn điền CADA vào năm 2009, tất cả các hạng mục gồm: gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng di tích, cũng như khoanh vùng bảo vệ, xây dựng một số công trình thiết yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tại đây… đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản gửi Cục Di sản (Bộ Văn hóa và Thông tin lúc đó). Tất nhiên, về phía chính quyền tỉnh Đắk Lắk phải đáp ứng và thỏa mãn những điều kiện có tính chất bắt buộc ấy mới được cấp thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia. Động thái đầu tiên là ngành văn hóa đã xây dựng đề án khoanh vùng, tôn tạo một số hạng mục bước đầu nhằm bảo vệ và phát huy di tích này vào năm 2010. Ngoài miếu thờ CADA được trùng tu lại thì tại các công trình có tính chất lịch sử đặc biệt trong quần thể kiến trúc của di tích (như nhà ở, văn phòng làm việc của chủ đồn điền, quản đốc, đốc công, kỹ sư…) được xây tường rào bao quanh với kinh phí khoảng 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do công tác bảo tồn, chăm sóc di tích trên không được quan tâm đúng mức, buông lỏng trong thời gian dài và đến nay vẫn không được cải thiện nên công sức, tiền bạc đổ vào đây trở nên vô ích. Tại đây, tôi đã thấy nhiều đoạn tường rào nứt nẻ, đổ sập. Sân bãi nội bộ, mái che một số hạng mục trong khu vực di tích bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Trần Hùng - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh, cần phải nhanh chóng tổ chức một cuộc khảo sát, đánh giá thực chất và toàn diện lại khu di tích này, để từ đó có phương án trùng tu, tôn tạo một cách đồng bộ và có quyết tâm hơn từ các cấp, ngành liên quan. Nếu như không làm được điều đó, mà cứ đợi cứ 3 đến 5 năm một lần mới có cuộc kiểm tra và đánh giá có tính chất “chiếu lệ” toàn bộ các di tích trên địa bàn Đắk Lắk như trước đây cũng như hiện nay của Sở VH-TT-DL vẫn làm, thì câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị vốn tài nguyên di sản quý báu này sẽ trở nên hết sức nan giải. Và trên thực thế đang diễn ra, cho thấy “vấn đề nan giải” ấy - là cổ tháp Yang Prông, một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Chăm ở Ea Súp đang đối mặt với nguy cơ tàn phai; là di tích lịch sử Đồn điền CADA - một trong những địa danh duy nhất và tiêu biểu trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung còn lưu giữ lại những hình ảnh, chứng tích sống động về chính sách cai trị, khai thác thuộc địa hết sức hà khắc của thực dân Pháp lần thứ hai (thời kỳ 1922-1945) và sự lớn mạnh, lan tỏa phong trào đấu tranh cách mạng của giới công-nông trên mảnh đất này sẽ dần bị xóa nhòa trong ký ức mọi người.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc