Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên - 2016: Cuộc hội ngộ bên dòng Đắk Bla

11:24, 21/03/2016

Thành phố Kon Tum nhỏ bé và hiền hòa nằm bên dòng Đắk Bla thơ mộng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn mọi ngày khi Lễ hội Nghệ thuật dân gian 5 tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại đây. Lễ hội được xem là cuộc hội ngộ văn hóa đa sắc màu và hết sức độc đáo của các dân tộc bản địa trong khu vực.

Thăng hoa những giá trị văn hóa truyền thống

Dù liên hoan chưa khai mạc chính thức, nhưng trước đó (ngày 17-3), các hoạt động văn hóa-nghệ thuật như điêu khắc dân gian, diễn tấu cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, giới thiệu và trưng bày di sản văn hóa Tây Nguyên… đã được khởi động, tạo dấu ấn sâu đậm tại Nhà văn hóa cộng đồng Kon Klor và Bảo tàng Kon Tum. 75 nghệ nhân người Bana, Ja Rai, Sê Đăng, Jẻ T’riêng, Rmâm, Êđê, M’nông, Mạ và K’ho được chọn lựa từ vô số làng, buôn dọc dài từ cực Bắc đến Nam Tây Nguyên tụ về để làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống và tiêu biểu. Nghệ nhân A Don (người Bana), K’Brền (người K’ho) hay Y Míp Ayun (người Êđê) cho rằng tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ là công việc mà họ yêu thích từ nhỏ và được trao truyền lại qua nhiều thế hệ. Đến giờ vốn văn hóa ấy được họ nắm giữ và tiếp tục để lại cho con cháu kế thừa, phát huy liền mạch trong đời sống cộng đồng.

Liên hoan lần này là dịp để những con người tài hoa kia trình diễn, khẳng định vốn văn hóa của dân tộc mình. Họa sĩ Trương Công Thức, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kon Tum, thành viên Ban tổ chức lễ hội đánh giá: Những nhạc cụ truyền thống: đàn b’rố (của người Bana), kèn klông pút (Sê Đăng), ting ninh (Ja Rai), đing năm, đing tút, ky pah (Êđê), hay goong pih (M’nông)… được chế tác tại đây và do chính các nghệ nhân biểu diễn sẽ là “bản giao hưởng” độc đáo, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa các tộc người thiểu số Tây Nguyên.

Tiết mục  biểu diễn  của đoàn  Đắk Lắk trong đêm  khai mạc.
Tiết mục biểu diễn của đoàn Đắk Lắk trong đêm khai mạc.

Trong không gian đầy ắp tiếng chiêng tại Bảo tàng Kon Tum, các đoàn nghệ nhân đại diện cho dân tộc mình cũng có dịp giao lưu, hiểu biết lẫn nhau thông qua “âm thanh núi rừng” ngàn đời đầy huyền hoặc. Hoạt động chỉnh chiêng, diễn tấu các bài nhạc cổ: “Uống rượu, ăn cơm mừng mùa” của người Sê Đăng; “Mời khách” của người Bana, Êđê, Ja Rai, Jẻ T’riêng…. đã thể hiện sâu sắc và sinh động tình cảm, tâm thế sống của mỗi cộng đồng trên vùng đất giàu bản sắc Tây Nguyên. Nói như bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL: “Cồng chiêng là âm vang chủ đạo và có sức lan tỏa nhất tại liên hoan lần này. Âm thanh ấy là sợi dây cộng cảm, kết nối các cộng đồng dân tộc lại với nhau một cách thiết tha, bền chặt trước mọi  biến chuyển của đời sống xã hội. Hơn thế, qua đó để chúng ta kiểm chứng, đánh giá lại sự “mất-còn” của vốn di sản văn hóa này, để từ đó có hành động thiết thực và kịp thời nhằm bảo tồn, phát huy”. Hoạt động diễn tấu cồng chiêng đi kèm với Hội thảo “Đánh giá 10 năm cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh” là thái độ, trách nhiệm của tất cả cộng đồng và xã hội trước di sản to lớn và đầy tự hào ấy. Tại hội thảo này, một lần nữa khẳng định: Cồng chiêng Tây Nguyên không bao giờ tách rời khỏi đời sống tinh thần của các dân tộc bản địa, nó luôn gắn bó mật thiết và ngày càng được gìn giữ, bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại. Cồng chiêng đã có đời sống mới với tư cách là một loại hình âm nhạc độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Rực rỡ sắc màu

Hòa điệu với những hoạt động tiêu biểu trên, Lễ hội Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên-2016 đã thật sự tạo ra không gian văn hóa có chiều sâu và rộng khắp trên địa bàn Kon Tum để dệt nên “phổ màu văn hóa” khá đầy đủ, sinh động và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng. Đó là hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn của hơn 10 dân tộc anh em tham gia tái hiện những sinh hoạt đặc trưng, truyền thống như: xe sợi, dệt thổ cẩm; nặn gốm; bếp lửa gia đình; nhảy múa đón khách; lễ hội đường phố; triển lãm tranh ảnh;  giới thiệu di sản… đã tạo nên không khí lôi cuốn, cộng cảm trên nền tảng văn hóa sâu dày, nhiều sắc thái.

Đoàn Đắk Lắk biểu diễn trong lễ hội đường phố.
Đoàn Đắk Lắk biểu diễn trong lễ hội đường phố.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, từ Hà Nội vào Kon Tum dự hội với tư cách là một du khách chia sẻ: “Lễ hội đã biến đô thị hiền hòa bên dòng Đắk Bla trở thành điểm đến thú vị. Từ mỗi góc phố, con đường, điểm du lịch, sinh hoạt công cộng… cho đến những địa chỉ văn hóa-lịch sử tiêu biểu: nhà rông, bảo tàng, quảng trường, buôn làng người bản địa đã được chính chủ nhân của vùng đất này phủ lên đó bàng bạc sắc thái văn hóa đậm chất Tây Nguyên không lẫn vào đâu được, khiến người dự hội như tan chảy ra, hòa trộn vào  trong ấy để hiểu và yêu thêm văn hóa Tây Nguyên”. Đặc biệt là trong đêm khai mạc lễ hội (tối 18-3), tất cả những sắc màu, giá trị văn hóa giàu bản sắc và độc đáo này đã  thật sự thăng hoa từ chính  “chủ nhân” của nó. Mỗi nhịp chiêng, vòng xoang, bước nhảy, điệu kèn, giọng hát… của mỗi cộng đồng người bản địa đã định vị được mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung.

Trong khuôn khổ lễ hội, UBND tỉnh Kon Tum đã kết hợp, hay nói đúng hơn là lấy vốn văn hóa của các dân tộc bản địa làm cơ sở để xúc tiến và mở ra các hoạt động du lịch văn hóa-sinh thái tiêu biểu nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội hiểu thêm về vốn văn hóa Tây Nguyên. Những tour du lịch “Kon Tum-Miền mơ tưởng”; “Măng Đen huyền thoại”; “Tháng Ba biên giới”… là địa chỉ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đồng thời với Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên-2016. Ai đến đây đều cảm nhận được giữa hai ngành văn hóa-du lịch đã có sự kết nối, hợp tác nhuần nhuyễn giúp du khách về Kon Tum trong những ngày trung tuần tháng 3 này đắm mình trải nghiệm trên vùng đất được định danh là “giàu mơ tưởng” ấy…

Tham gia Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên-2016, có 35 nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn của Đoàn Đắk Lắk góp mặt. Ngoài các hoạt động trình diễn cồng chiêng, tạc tượng, chế tác nhạc cụ… Đoàn Đắk Lắk  đã đưa hàng trăm hiện vật, tư liệu và hình ảnh văn hóa-lịch sử của các cộng đồng dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn qua các thời kỳ để trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng Kon Tum, góp phần giới thiệu sắc thái, diện mạo đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của địa phương nói riêng và vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung.

Phương Đình - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.