Multimedia Đọc Báo in

Những câu chuyện thú vị ở Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn 2016

22:24, 14/03/2016

Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Song song với các hoạt động sự kiện theo chương trình, một số chuyện thú vị bên lề Lễ hội  cũng được phóng viên Báo Đắk Lắk ghi lại.

Người thầy cúng sức khỏe cho voi “độc nhất”

Già Ay Bê (thứ hai bên trái) làm lễ cúng sức khỏe cho voi.
Già Ay Bê (thứ hai từ trái sang) làm lễ cúng sức khỏe cho voi.

Đó là già Ay Bê (ở buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) – thầy cúng làm lễ cúng sức khỏe cho voi trước và sau khi diễn ra Lễ hội. Năm nay già Ay Bê đã gần 80 tuổi, có “thâm niên” làm thầy cúng khoảng 40 năm rồi. Theo người dân bản địa cho biết, không phải ai cũng làm thầy cúng được, mà đó phải là người được cộng đồng tin tưởng, tạo ra được “hiệu ứng phép lạ”,  và đặc biệt còn có yêu cầu khắt khe hơn: phải săn được ít nhất từ 4-5 con voi rừng. Hiện nay do nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng không còn, nên già Ay Bê trở thành “độc nhất vô nhị”, là người duy nhất có khả năng làm lễ cúng cho voi theo đúng “chuẩn”. Khi đặt vấn đề, với trường hợp chỉ có duy nhất một người đủ “chuẩn” để tổ chức các lễ cúng cho voi như vậy, liệu rằng trong tương lai các lễ cúng cho voi có còn nữa không thì người dân địa phương và các nhà quản lý về văn hóa của huyện cho rằng: Tuy không có lớp thầy cúng kế cận tiếp nối già Ay Bê, nhưng sau này nếu cần người thay thế già Ay Bê, người dân trong buôn làng sẽ đứng ra bầu chọn người có uy tín, có nhiều đóng góp, cống hiến trong việc gìn giữ, bảo tồn loài voi... để đứng ra làm các lễ cúng cho voi.

Những người bạn Nhật Bản

Bà Niimura Yoko, người có gần 15 năm gắn bó với Buôn Đôn.
Bà Niimura Yoko (bìa phải), người có gần 15 năm gắn bó với Buôn Đôn.

Trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội, nếu không kể số lượng du khách trong tỉnh, thì có lẽ lực lượng khách tham quan đông đảo nhất là các du khách đến từ “xứ sở hoa anh đào”. Theo ghi nhận thực tế, có khoảng 3 đoàn khách người Nhật Bản, mỗi đoàn khoảng độ từ 10-20 người. Trong đó có nhiều du khách đã đến Buôn Đôn và tham dự Lễ hội từ 2 lần trở lên; nhiều người bằng tấm lòng nhiệt tình, tâm huyết đã có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương của Việt Nam. Có thể kể đến như bà Sano Ryoko (nguyên là Giám đốc một trường mầm non tại Tokyo) đã đến Việt Nam và tham dự hội voi Buôn Đôn rất nhiều lần. Đặc biệt, tại Lễ hội lần này chúng tôi đã gặp lại bà Niimura Yoko - người có gần 15 năm gắn bó với Buôn Đôn, trong quãng thời gian ấy, không lần nào diễn ra lễ hội mà bà lại vắng mặt và người dân địa phương gặp bà là “tay bắt mặt mừng”, thường gọi bằng cái tên thân thuộc “bà người Nhật”. Cũng xuất phát từ tình yêu đối với con người và những chú voi nơi đây, bà Niimura đã đứng ra vận động thành lập Hiệp hội Bảo vệ rừng Quốc gia Yok Đôn với nhiều hoạt động nhằm bảo vệ đàn voi của Buôn Đôn.

Xả nước đập thủy điện để voi thi vượt sông

Những chú voi tắm mình trong dòng nước mát.
Voi chuẩn bị thi vượt sông 

Do mực nước trên sông Sêrêpốk hiện nay vào mùa khô đã bị xuống thấp, nhằm bảo đảm đủ lượng nước của dòng chảy cho các chú voi thi vượt sông tại Lễ hội, trước đó UBND huyện Buôn Đôn đã tham mưu UBND tỉnh để đề nghị các nhà máy, công ty làm thủy điện trên sông Sêrêpốk xả nước đập thủy điện để phục vụ lễ hội.  Được biết, phần lớn hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Sêrêpốk đã ở dưới mực nước chết 3-7 m vì khô hạn kéo dài nên tỉnh chỉ yêu cầu xả nước trong một giờ nhằm đáp ứng đủ nước cho phần thi voi vượt sông. Đến khoảng 15 giờ ngày 13-3, sau khi dòng chảy đáp ứng đủ nhu cầu, cuộc tranh tài vượt sông của các chú voi đã chính thức bắt đầu. 

Nhờ xe cứu hỏa hỗ trợ... phun nước

Sử dụng xe cứu hỏa để phun nước chống bụi, làm mát.
Sử dụng xe cứu hỏa để phun nước chống bụi, làm mát khu trung tâm lễ hội.

Một ngày vài lần, trên hệ thống dàn âm thanh của Lễ hội lại phát ra thông báo đề nghị mọi người và các phương tiện đi lại trong khuôn viên của trung tâm lễ hội di dời ra ngoài cổng để xe cứu hỏa của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy vào... phun nước chống bụi. Một xe cứu hỏa chứa khoảng 8 m3 nước, một lần tưới một xe là đủ. Mấy năm trước Ban Tổ chức cũng có tiến hành phương pháp phun nước chống bụi và làm mát sân, nhưng thường sử dụng xe phòng chống chữa cháy rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn và không thể “chuyên nghiệp” như xe cứu hỏa. Qua đó có thể thấy rằng, sự đồng thuận, hưởng ứng, hỗ trợ của cả cộng đồng cũng như các cơ quan, đơn vị đã góp phần làm nên thành công của Lễ hội năm nay.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.