Festival Huế 2016: Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
Năm nay, diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5, Festival Huế 2016 là câu chuyện kể lại lịch sử dài hơn 7 thế kỷ của đất Cố đô với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế”. Tiếp nối thành công các kỳ Festival trước, Festival Huế 2016 lần thứ 9 gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của Huế, các sự kiện văn hóa chính trị quốc gia; đồng thời kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao đem đến sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống, tại Festival Huế lần này, nhiều nét sinh hoạt cung đình độc đáo được tái hiện trong không gian huyền ảo của Đêm Hoàng Cung và các chương trình lễ hội giới thiệu nghệ thuật dân gian, nghệ thuật Cung đình Huế mang đậm tính nhân văn và giữ được cốt cách truyền thống. Bên cạnh đó, chương trình âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật sôi động sẽ diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Israel, Úc, Pháp, Bỉ, Nga, Đan Mạch, Ba Lan, Marốc, Mỹ, Mêhicô, Chile….và các đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước như Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Liên đoàn Xiếc Việt Nam…
Festival Huế với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trong ảnh: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2014. (Nguồn: Internet) |
Các nội dung chính của Festival năm nay sẽ có nhiều hoạt động nghệ thuật, lễ hội đặc sắc như: chương trình nghệ thuật khai mạc, Lễ Tế Giao; Đêm Hoàng Cung; Chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; chương trình nghệ thuật của các đoàn trong nước và quốc tế; Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á – Mỹ La tinh”; Lễ hội “Hương xưa làng cổ”; Lễ hội “Chợ quê ngày hội”; chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn; chương trình áo dài “Rực rỡ kinh kỳ”... Trong đó sẽ lấy khu trung tâm Đại Nội là hạt nhân của Festival với các sân khấu ngoài trời và trong nhà để tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Sân khấu Cung An Định và sân khấu Sân vận động Tự Do là nơi dành cho các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại. Các sân khấu ở những khu vực quảng trường trong thành phố như: Ngọ Môn, Bia Quốc Học, Công viên Tứ Tượng, Công viên đường Trịnh Công Sơn... cũng được tổ chức một số chương trình nghệ thuật. Đặc biệt, Festival còn tái hiện lại Lễ Quảng Chiếu đã thất truyền hơn 1.000 năm, do Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế chủ trì tổ chức tại không gian văn hóa lịch sử Nghinh Lương Đình.
Cũng trong thời gian tổ chức Festival Huế sẽ diễn ra Hội nghị Thị trưởng các nước Đông Á – Mỹ La tinh tại Huế (FEALAC). Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hưởng ứng Festival cũng được tổ chức như: Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2016; Festival Khoa học Huế 2016 – Thành tựu y học với sức khỏe cộng đồng; chương trình nhạc rock; Festival Thơ Huế; Liên hoan sắc màu tuổi thơ; Lễ hội đua thuyền trên sông Hương; Lễ hội diều Huế và trưng bày diều; Lễ hội bia...
Dựa trên nền tảng văn hóa và di sản của vùng đất cố đô, chắt lọc tinh hoa văn hóa của Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa truyền thống - hiện đại, Festival Huế sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam và là sản phẩm du lịch đặc biệt thu hút du khách trong nước và quốc tế...
Các lễ hội chính của Festival Huế 2016
1. Lễ tế Giao: 0 giờ 5 phút ngày 29-4 tại đàn tế Nam Giao
2. Lễ Khai mạc: 20 giờ ngày 29-4-2016 tại Sân khấu quảng trường Ngọ Môn
3. Đêm Hoàng Cung: 19-22 giờ 30 các ngày 1-5 và 3-5 tại Hoàng Cung
4. Lễ hội đèn Quảng Chiếu: 20 giờ ngày 1-5 Nghinh Lương Đình
5. Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á – Mỹ La Tinh” vào các buổi chiều trên các tuyến phố trung tâm TP. Huế
6. Lễ hội dân gian “Hương xưa làng cổ - Phong Hải biển nhớ” từ ngày 1 đến 2-5 tại làng cổ Phước Tích và xã Phong Hải, huyện Phong Điền.
7. Lễ hội dân gian “Chợ quê ngày hội” từ ngày 30-4 đến ngày 4-5 tại Cầu Ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy
8. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “ Người đi hành hương” 20 giờ ngày 2-5 tại Công viên Trịnh Công Sơn
9.Thời trang áo dài với chủ đề “Rực rỡ kinh kỳ” vào 20 giờ các ngày 1 đến 3-5 tại sân khấu Hoàng Thành – Đại Nội
10. Lễ Bế mạc 20 giờ ngày 4-5 tại sân khấu quảng trường Ngọ Môn.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc