Multimedia Đọc Báo in

Nghệ thuật biểu diễn dân gian: Nguy cơ mai một trong đời sống cộng đồng

06:05, 16/04/2016

Nghệ thuật biểu diễn dân gian Tây Nguyên là một kho tàng đồ sộ, phong phú và đa dạng; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, vốn quý này đang dần bị mai một trong đời sống cộng đồng…

“Trước đây trong đời sống của bà con mình có nhiều lời hát hay lắm, nhiều người biết đánh chiêng, chơi các nhạc cụ dân tộc mình, nhưng giờ thì ít rồi. Bà con giờ chủ yếu biểu diễn tại các liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc thôi, chứ còn trong đời sống thường ngày chẳng mấy ai còn biết nữa...”, nghệ nhân Y Bhiông Niê (buôn Akô Dhong, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vừa chỉnh lại âm thanh của chiếc tù và do ông chế tác, vừa bày tỏ nỗi niềm.

Lời tâm sự của người nghệ nhân già nhiều tâm huyết với chuyện bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống của ông cha mình cũng là những suy tư, trăn trở chung của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trong những năm qua. Có thể nói, nghệ thuật biểu diễn dân gian của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng về nội dung cũng như hình thức thể hiện: từ số lượng các nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian cho đến các làn điệu dân ca... Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc không còn phù hợp với lối sống hiện đại; một số nhạc cụ (như đing năm, đing tút, đing tạc tà…) theo luật tục không cho phép sử dụng một cách ngẫu hứng; các nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ dân tộc không còn hào hứng với công việc chế tác vì làm ra không có người sử dụng (nếu có chế tác để phục vụ khách du lịch mua về làm kỷ niệm thì chỉ đảm bảo về hình thức chứ không đảm bảo về độ chuẩn của âm thanh); lớp trẻ thờ ơ với nhạc cụ của dân tộc mình vì việc sử dụng không thuận lợi so với nhạc cụ hiện đại… Những vấn đề nêu trên là điều cảnh báo sự mai một, thất truyền của nhạc cụ truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, việc diễn xướng các làn điệu dân ca cũng đòi hỏi có không gian phù hợp. Một số nghi lễ trong các lễ hội đã bị lược bỏ (lễ chôn cất và lễ bỏ mả ít còn hát chốc, k’ứt, ay ray…); việc trồng cây công nghiệp thay thế cho canh tác nương rẫy truyền thống, việc sử dụng nước giếng thay cho nước nguồn ở bến nước, công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại… cũng là những yếu tố làm cho tính cộng đồng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên bị suy giảm mạnh, ảnh hưởng rất nhiều đến không gian diễn xướng văn nghệ dân gian...

Biểu diễn múa dân gian tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.
Biểu diễn múa dân gian tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.

Theo thống kê, ở Đắk Lắk, hiện nay số xã có đội văn nghệ quần chúng chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, các đội văn nghệ quần chúng này chủ yếu biểu diễn ở hình thức sân khấu theo phong trào (múa, hát, hoạt cảnh… theo chủ đề) mà hiếm có tiết mục diễn xướng theo phong cách truyền thống (nếu có thì ít nhiều đã bị sân khấu hóa)... Và điều đó, theo như lời nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm trăn trở: Nếu chỉ nhìn vào bề nổi của phong trào, căn cứ vào những cuộc liên hoan văn hoá cồng chiêng, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật quần chúng thường niên trong khu vực, trong tỉnh, trong huyện, các liên hoan hát dân ca, dân ca dân vũ… có thể nghĩ rằng nghệ thuật biểu diễn dân gian Tây Nguyên đã hồi sinh. Nhưng thực ra, nếu nhìn nhận một cách khắt khe hơn thì nghệ thuật biểu diễn dân gian Tây Nguyên nói chung đã bị biến đổi, chuyển dần từ phục vụ đời sống trong cộng đồng ra phục vụ sinh hoạt văn nghệ xã hội. Bởi việc biểu diễn đã không còn đơn thuần xuất hiện trong một không gian văn hóa mà người diễn, người xem đều là chủ thể, thưởng thức theo nhu cầu của chính cộng đồng như ngày xưa nữa; mà chỉ khi có các hoạt động văn nghệ phục vụ  các ngày lễ, tết, hoặc một nhiệm vụ chính trị nào đó của địa phương, của Trung ương, hay dành cho du khách trong và ngoài nước mới hiện diện tại các địa điểm biểu diễn (không phải ở buôn làng)...

Một điều đáng nói là, từ trước đến nay, chúng ta có khá nhiều văn bản, nghị quyết về việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng nhưng chỉ tập trung vào phần “chiêng” mà ít chú trọng đến phần “biểu diễn dân gian”. Trong khi đó, biểu diễn dân gian cũng góp phần làm cho không gian văn hóa cồng chiêng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (cồng chiêng và biểu diễn văn nghệ dân gian gắn liền với các lễ hội; không có lễ hội, nhiều loại hình văn nghệ dân gian không được diễn xướng). Cũng vậy, nhiều chủ trương chính sách tạo điều kiện cho việc sưu tầm truyện cổ dân gian, các lời nói vần, luật tục, bài cúng, bài chiêng… nhưng chưa có chế độ đãi ngộ riêng để khuyến khích công tác sưu tầm, nghiên cứu các bài dân ca của các dân tộc; trong khi việc nghiên cứu, sưu tầm các bài dân ca không phải là việc dễ làm, bởi nó đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ chuyên môn về âm nhạc, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc, có phương tiện kỹ thuật ghi âm hiện đại, có tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống bản địa…  

Thanh niên các dân tộc bản địa múa xoang trong Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.
Thanh niên các dân tộc bản địa múa xoang trong Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật biểu diễn dân gian Tây Nguyên nói riêng, không thể là việc làm một sớm một chiều, của một người hay một ngành, mà đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các liên hoan tại các cấp, cần khuyến khích các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở ngay từng địa phương, thông qua các lễ thức vòng đời của mỗi gia đình, những lễ nghi nông nghiệp trong phạm vi buôn làng, gắn với cả những ngày lễ của đoàn thể... Song song đó, chính quyền, đoàn thể các cấp cần quan tâm hơn nữa, có sự động viên, khuyến khích việc truyền dạy cách chế tác nhạc cụ dân tộc và biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ cổ truyền trong lớp trẻ, kêu gọi và đánh thức lòng tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc; từ đó có sự nối tiếp, để nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên không mất đi, mà vẫn luôn luôn tồn tại trong chính đời sống của cộng đồng...

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc