Những "đại sứ" văn hóa Tây Nguyên
Gọi họ là những “đại sứ” văn hóa cũng chẳng có gì là quá, bởi thông qua “báu vật sống” ấy, bạn bè trong nước và quốc tế mới có cơ hội hiểu thêm đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Họ làm công việc đó với mong muốn những gì ông bà, tổ tiên của mình để lại không bao giờ mất đi…
Bảy lần xuất ngoại, một niềm đam mê
Y Míp Ayun (người Êđê ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập - TP. Buôn Ma Thuột) nhớ mang máng ông đã từng ra nước ngoài biểu diễn cồng chiêng ít nhất là bảy lần. Dù ở đâu, người nghệ nhân này vẫn đau đáu nỗi niềm: đem vốn văn hóa của dân tộc mình trình diễn, giới thiệu cho bạn bè muôn phương hiểu biết và trân trọng thêm.
Các nghệ nhân Đắk Lắk trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng trong dịp Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên - 2016 tại TP. Kon Tum. |
Gần đây nhất, tôi gặp Y Míp tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên được tổ chức tại Kon Tum vào trung tuần tháng Ba vừa qua, sau chuyến tham gia Liên hoan giao lưu Thế giới Nghệ thuật Canning (TP. Canning - Úc) trở về. Ông tâm sự, lần nào cũng vậy - từ những sân khấu hoành tráng, hiện đại của các nước châu Âu: Pháp, Italia, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, cho đến không gian văn hóa đa sắc màu ở châu Á như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… âm vang cồng chiêng Tây Nguyên đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người. Cồng chiêng với tư cách là loại hình âm nhạc đặc sắc, độc đáo của các tộc người Tây Nguyên đã tự tin hòa điệu với nhiều loại hình âm nhạc khác, dù cổ điển hay hiện đại trên thế giới để làm nên dàn hợp xướng đa quốc gia và không biên giới! Đã có lần tôi hỏi Y Míp: Bạn bè quốc tế quan tâm đến âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên ở khía cạnh nào? Ông bảo nói ra thì khó lắm, nhưng qua những lần biểu diễn (thường là đội chiêng hoàn chỉnh) thì người xem thường đến chuyện trò, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế với nghệ nhân. Những lần như vậy, Y Míp thường chia sẻ với bạn bè quốc tế những hiểu biết của mình về cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó ông cố gắng mang lại cho những ai quan tâm những hiểu biết nhất định về vốn âm nhạc độc đáo này: từ thẩm âm, chỉnh chiêng… đến phiên chế của dàn chiêng mà theo Y Míp đều có vai trò, thứ tự rõ ràng tựa như thiết chế của một gia đình, dòng tộc và cộng đồng hoàn chỉnh vậy.
Y Míp Ayun (bên phải) trao đổi về việc chế tác các nhạc cụ truyền thống Êđê. |
Tôi còn nhớ NSƯT Vũ Lân (Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VH-NT Đắk Lắk) nói về Y Míp sau chuyến tham gia Festival Âm nhạc dân gian Quốc tế tại Phần Lan được tổ chức vào những ngày đầu tháng 7-2011 rằng: Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo ở châu Âu, khi nghe ông nói về cồng chiêng Tây Nguyên (tất nhiên phải qua phiên dịch) thì tất cả đều tỏ ra tâm đắc và thú vị. Đến nỗi ký giả Uylensky đã viết trên tờ nhật báo Kuhmolainen (TP Kuhmo - Phần Lan) những dòng cảm nhận giàu tinh tế và đầy trân trọng rằng: “Có loại âm nhạc (cồng chiêng Tây Nguyên - PV) thật lạ kỳ, vừa ma mị lại vừa hiển hiện sinh động thứ tình cảm da diết, bền chặt như một gia đình đúng nghĩa! Dường như người ta đã chuyển quan hệ máu mủ, ruột rà từ trong gia đình, cộng đồng vào trong dàn âm thanh đó… Người thưởng lãm có thể nghe ra thứ tình cảm ấy trong từng động tác diễn xướng và cách biểu lộ cảm xúc trên gương mặt người nghệ sĩ…”. Y Míp thật sự hạnh phúc vì điều đó và bắt đầu cho ông niềm tin rằng, sức lan tỏa của vốn âm nhạc truyền thống người Tây Nguyên đã thật sự sâu rộng và ngày càng chinh phục được trái tim của bạn bè trong nước và quốc tế.
Người tìm lại làn điệu Rngê, Rngoi
Không được “đi đây đi đó” như Y Míp, nhưng già A Wét (buôn Kon H’ring, xã Ea H’ding - Cư M’gar) cũng được coi là “kho báu” chứa đựng khá đầy đủ vốn văn hóa của người Sê Đăng trên vùng đất Tây Nguyên. Những ai muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc của tộc người này đều tìm đến già A Wét- và từ đó ông trở thành vị “đại sứ” văn hóa của dân tộc mình lúc nào không hay.
Biết ông đã lâu và mỗi lần có dịp về lại ngôi làng bé nhỏ nằm dưới chân núi Cư Dliê Mnông, tôi lại ghé thăm và trò chuyện với già. Trong ngôi nhà ở cuối buôn Kon H’ring của già A Wét có bộ sưu tập tương đối đầy đủ các loại nhạc cụ truyền thống của người Sê đăng: đàn Klông Pút, T’rưng, kèn R’wai, Kvok, trống Bodo và dàn chinh Kokleh bằng tre nứa… được ông chế tác, hoặc xin và mua từ Đắk Tô, Tân Cảnh (Kom Tum) về và gìn giữ cẩn thận như báu vật. A Wét tâm sự: khách đến thăm nhà, thấy thích thì lấy xuống chơi, rồi thi thoảng ông lại tặng cho ai đó thật sự hiểu biết và trân trọng vốn văn hóa của dân tộc mình. Trưởng buôn Kon H’ring - A Nít chia sẻ thêm: Ông làm việc đó cũng vì cộng đồng, từ những nhạc cụ truyền thống ấy, người Sê Đăng muốn gửi thông điệp chân thành đến với mọi người. Điều mà nghệ nhân A Wét tâm niệm là qua bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống của mình sẽ giúp con cháu, bạn bè khắp nơi đến đây có thể hiểu thấu đáo và trọn vẹn hơn vốn văn hóa của người Sê Đăng. Và cũng từ ý thức gìn giữ cội nguồn ấy, già A Wét đã “truyền lửa” đam mê đến cho bao thế hệ trẻ ở dưới chân núi Cư Dliê Mnông này. Những cuộc liên hoan văn hóa - văn nghệ được huyện Cư M’gar tổ chức hằng năm, lúc nào điệu kèn, tiếng đàn của ông đã dạy cho lớp trẻ dự thi cũng thu hút mọi người.
Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk tham dự Lễ hội đường phố tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên 2016. Ảnh: Hoàng Gia |
Anh A Man - Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar khẳng định: Việc làm và đam mê của già A Wét đã thật sự mở ra cánh cửa giao lưu, hội nhập… giúp mọi người tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn hình ảnh con người Sê Đăng với vốn văn hóa lâu đời và hết sức đặc sắc của họ. Ông chính là “đại sứ” văn hóa của cộng đồng, luôn bền bỉ gom nhặt và làm sáng lên những giá trị văn hóa của ông bà, tổ tiên để lại cho mọi người hôm nay trân trọng. Hơn thế, trong thời gian qua, nhất là thời điểm trước khi diễn ra Lễ hội mừng cơm mới được cộng đồng buôn Kon H’ring tổ chức vào ngày đầu năm Dương lịch 2016, già A Wét đã sang Kon Tum gặp gỡ nhiều người già, nghệ nhân để sưu tầm các làn điệu Rngoi, Rngê (hát múa giao duyên) đã thất lạc từ lâu, đem về chỉnh lý và biên soạn lại dạy cho con cháu trong buôn. Một trong những bài dân ca, dân vũ cổ của người Sê Đăng “Dáng em như dáng chim ri” đã được tốp hát múa trẻ buôn Kon H’ring thể hiện đẹp và vô cùng lãng mạn trong Lễ hội mừng cơm mới vừa qua. Đây cũng là tác phẩm được hầu hết các cô gái, chàng trai dưới chân núi Cư Dliê M’nông yêu thích và họ thường mang theo lên nương rẫy, hay trong những cuộc vui để hát múa như niềm tự hào trước đời sống hội nhập.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc