Bảo tàng Quang Trung - Dấu ấn lịch sử hào hùng
Một ngày cuối tháng 5, tôi may mắn có chuyến hành trình trở về vùng đất Tây Sơn huyền thoại, thăm Bảo tàng Quang Trung, nơi ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc.
Như các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định, điều làm nên giá trị của Bảo tàng Tây Sơn không phải ở kiến trúc điện thờ, mà ở giá trị nhân văn và giá trị lịch sử của nó. Sang đầu thế kỷ 19, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập ra nhà Nguyễn đã trả thù nhà Tây Sơn vô cùng tàn bạo, nhưng ngay trên nền nhà xưa của ba anh em nhà Tây Sơn, người dân làng Kiên Mỹ đã xây dựng đền thờ Quang Trung để dạy con cháu về tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc. Bảo tàng có 9 phòng trưng bày với những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, hiện lưu giữ và trưng bày trên 11 nghìn hiện vật có liên quan đến phong trào và vị Anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tham quan bảo tàng, du khách như cảm nhận được một quân đội Tây Sơn thu nhỏ dưới sự chỉ đạo của vị anh hùng áo vải, chuẩn bị hành quân ra trận "Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ..." (Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó ngựa xe tan tác Đánh cho nó manh giáp chẳng còn, đánh cho nó biết nước Nam Anh hùng có chủ - Hạ dụ xuất quân của Hoàng đế Quang Trung).
Khu vực trưng bày Nhà Bảo tàng Quang Trung. |
Điểm nhấn quan trọng của Bảo tàng là chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ… Điều ấn tượng nhất là quân đội Tây Sơn mang trong mình khối đoàn kết toàn dân - nhân tố tạo ra và nhân lên sức mạnh của quân đội, bảo đảm cho nó trở thành một quân đội hùng mạnh, góp phần quyết định tạo nên những chiến công lừng lẫy của dân tộc Việt Nam thuở ấy. Minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc đó không chỉ hiện diện bởi hình ảnh mái nhà dài truyền thống của đồng bào Bana trong khuôn viên Bảo tàng, mà còn là hình ảnh những nài voi người Êđê trong điệu xoang mừng chiến thắng…
Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, những hiện vật trưng bày mà tại đây, du khách còn được xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn hùng tráng. Giữa tiếng trống trận Tây Sơn hừng hực tinh thần thượng võ, những bài võ cổ truyền Bình Định với thế võ uyển chuyển, linh hoạt, các võ sinh Bình Định đã khiến người xem liên tưởng về những ngày hào hùng thuở nào của cha ông đi chống giặc ngoại xâm…
Thời gian lưu lại Bảo tàng Quang Trung tuy ngắn ngủi, nhưng trong không khí thiêng liêng du khách như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp. Và trên hết là hiểu hơn về ý chí đấu tranh kiên cường của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn – một thời đại lẫy lừng trong lịch sử dân tộc Việt Nam…
Bảo tàng Quang Trung cách thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc, (thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn Bình Định) - quê hương của 3 anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Năm 1978 Bảo tàng được thành lập trên khuôn viên 95.000m2 theo lối trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Năm 1979, Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cây me, giếng nước được xếp hạng di tích Quốc gia. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc