Multimedia Đọc Báo in

Điểm đến thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc

10:48, 28/06/2016

Tổ quốc Việt Nam cong cong hình chữ S như dải lụa mềm trên vùng đất Đông Dương. Trong bốn điểm cực đông, bắc, tây, nam thì Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là điểm cao nhất nơi cực bắc Tổ quốc. Giữa điệp trùng đồi núi và ngút ngàn cây cối, nương ngô, trên đầu là bầu trời Việt, phía dưới là đất mẹ thân thương, ôm hôn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là một cảm giác thiêng liêng xúc động đến vô cùng.

Để đến được Cột cờ Lũng Cú này, phải vượt nhiều cung đường ngoằn nghèo khúc khuỷu, leo dốc, vượt đèo. Nhưng khát khao một lần được chạm tay vào lá cờ Tổ quốc rộng nhất Việt Nam, khát vọng được đứng trên đỉnh cờ Lũng Cú ngắm nhìn dải đất biên thùy nơi địa đầu đất nước đã khiến du khách nào cũng cố sức vượt qua những cung đường hiểm trở ấy. Lần đầu tiên đến Cột cờ Lũng Cú, ôm lá cờ Tổ quốc giữa không trung, anh Nguyễn Văn Xuân (du khách đến từ Vũng Tàu) rưng rưng xúc động: “Đây là Tổ quốc Việt Nam nơi địa đầu biên giới. Đứng giữa trời đất bao la, ôm cờ Tổ quốc, lòng cảm thấy yêu đất nước vô cùng”. Còn tôi, sau một chặng hành trình vượt núi cao vực thẳm, bước lên bậc thang đầu tiên nước mắt đã rưng rưng, cảm xúc dâng tràn trong lòng. Trong khi nhiều người chụp ảnh làm kỷ niệm, tôi giang tay ôm cờ Tổ quốc và hôn lên lá cờ đỏ sao vàng giữa mây trời vời vợi. Biết bao người lính như tôi đã ôm hôn lá cờ này và họ cũng có chung một cảm xúc tự hào được là người dân đất Việt.

Cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay giữa bầu trời Tổ quốc.
Cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay giữa bầu trời Tổ quốc.

Hàng triệu lượt người đến thăm Cột cờ Lũng Cú mỗi năm nhưng không phải ai cũng tường tận cột cờ ấy được xây dựng bao giờ và nó có ý nghĩa chính trị đặc biệt như thế nào. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ thời Lý - năm 1073. Khi xưa Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về  đây, thấy được tầm vóc địa thế của miền biên ải nên đã cho cắm một cột mốc trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Lúc đó cột cờ làm bằng gỗ, lá cờ hình chữ nhật may bằng vải có rua xung quanh. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược đã tiếp nhận cột cờ như một báu vật quốc gia. Để bảo vệ và khẳng định chủ quyền, vua Quang Trung đã cho xây dựng một đồn gác ở dưới chân núi. Trong đồn gác ấy để một trống đồng, cứ mỗi một canh thì đánh lên ba hồi đĩnh đạc để khẳng định chủ quyền đất nước. Lịch sử ghi rõ, tiếng trống đồng vang xa vừa là tín hiệu truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải, vừa  thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền từng tấc đất tấc sông nơi địa đầu Tổ quốc.

Đầu năm 1978, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú cùng 24 chiến sĩ dân quân tự vệ đã khênh một cây sa mọc từ nhà chờ lên đỉnh núi làm cột cờ. Cây sa mọc lúc đó có chiều cao 12 mét, đường kính 20 cm, lá cờ rộng 1,2 m2. Từ đó, cột cờ mang tên chính thức “Cột cờ Lũng Cú”. Năm 2000, được sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xây Cột cờ Lũng Cú mang tầm cỡ quốc gia. Sau gần một năm thi công, cột cờ bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên thay thế cột cờ gỗ trước đó. Cột cờ mới như hiện nay được khởi công xây dựng ngày 8-3-2010, hoàn thành 2-9-2010,  có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông. Cột cờ có chiều cao 34,85 mét, từ chân cột cờ đến sàn lan can cao 20,6 mét, cán cờ có chiều cao 14,25 mét, lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. 

Xúc động dâng trào ôm hôn cờ Tổ quốc.
Xúc động dâng trào ôm hôn cờ Tổ quốc.

Ngay dưới chân núi Lũng Cú, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú nắng cũng như mưa, bất kể ngày đêm luôn vững tay súng tuần tra, canh gác bảo vệ cột cờ. Ngoài tuần tra canh gác vòng ngoài, vòng trong vùng biên ải, cứ 15 ngày những người lính mang quân hàm xanh này lại hạ cờ, thay vào đó lá cờ mới. Những lá cờ Tổ quốc dù cũ, rách do gió ở độ cao nhưng nó đã trở thành kỷ vật thiêng liêng tặng cho đoàn khách tham quan du lịch mỗi lần đặt chân đến địa đầu Tổ quốc này.

 Tuấn Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.