Trà Tà Xùa – kết tinh hương vị đất trời
Trong khá nhiều danh trà Shan Tuyết ở Việt Nam, trà Tà Xùa của người Mông ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) là một trong những loại trà có hương vị độc đáo nhất theo phong cách uống trà, lấy cả hương lẫn vị đậm của người Việt.
Chỉ cần pha một ấm trà Tà Xùa bằng nước mưa, hoặc nước lọc tinh khiết đun sôi, cả gian phòng rộng vài chục mét vuông sẽ thấm đẫm hương thơm ngai ngái, quyện chút hương khói quyến rũ khó tả. Khác với trà đồi miền trung du, nước trà Tà Xùa đỏ thẫm, nhấp một ngụm nhỏ, với những người chưa quen thì vị đắng ban đầu của trà Tà Xùa khá mạnh, nhưng chỉ ngay sau đó vị ngọt kỳ lạ nổi lên quyến rũ từng đầu dây thần kinh vị giác suốt cả buổi. Mỗi ấm trà có thể uống đến 4-5 nước hương vị mới nhạt dần.
Phụ nữ Mông thong thả hái trà. |
Tà Xùa nằm ở vị trí cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Sườn dốc cheo leo, địa thế đón gió giữa hai dãy núi nên gió Tà Xùa táp rất mạnh, đôi khi có thể xô ngã một người trên đường. Những giống trà đồng bằng mang lên đây trồng đều không sống được. Khác với giống trà trồng đại điền, trà Tà Xùa không ở gần nước nên mọc chậm. Sống trong vùng khí hậu quanh năm mát, lạnh, sương gió khắc nghiệt nên cây trà không ra nhiều lá, búp nhỏ hơn trà trung du, lá cứng và dày. Không tưới bón, không phun thuốc trừ sâu, cây trà tích lũy tinh chất vào những mầm non bé nhỏ một cách tự nhiên. Cây trà trồng 20 năm mới chỉ cao ngang thắt lưng, cây nhỏ cũng bám đầy rêu phong. Những cây trà ở Tà Xùa mọc lẫn vào các vạt rừng, cao hàng chục mét; hiện chỉ còn khoảng 400-500 cây, cây cổ nhất cũng đã cho lá được 300 năm và to ngang với những cây trà tổ ở Suối Giàng (Yên Bái) có niên đại khoảng 300 năm. Dòng cây trà rừng được gọi là Shan Tuyết ở Việt Nam là dòng Camellia chứa nhiều chất catésin hơn các loại trà khác ở Trung Hoa và các nước lân cận.
Mỗi tuần một gia đình chỉ sản xuất được một vài ki-lô-gam trà. |
Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 trà cho nhiều búp hơn. Từ tháng 10 đến trước tết trà ít lá nhưng vị lại đậm hơn. Người Mông đi hái trà cứ thong thả trên lưng núi, một tay hái tay kia nghỉ ngơi, nhặt từng búp đến khi đầy lòng bàn tay thì thả vào gùi đeo trên lưng. Trà hái về tải ra sạp phơi tạm, thỉnh thoảng phải đảo cho khô đều. Lá tươi không bao giờ để qua đêm, cứ đến tối là người ta tập trung sao trà. Trước kia người Mông ở Tà Xùa sao trà bằng chảo nhưng giờ đã có lò củi và thùng quay, có thể là quay tay hoặc động cơ điện. Chất lượng sao phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm. Sau vài lần đổ ra vò, xúc giác và thính giác của người sao sẽ báo cho họ biết là trà đã được chưa. Búp trà sau khi sao xong có màu vàng hoặc ánh tuyết bạc tùy theo mặt lá quay ra hay quay vào. Mỗi tuần một gia đình chỉ sản xuất được một vài kg trà. Song không phải vì mỗi năm sản lượng chỉ có vài chục tấn mà trà Tà Xùa ngon và nổi tiếng mà chính sự kết tinh của những điều kiện đặc biệt và tự nhiên mới làm nên hương vị hiếm hoi của loại trà này.
Phạm Hoài Thanh
Ý kiến bạn đọc