Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ: Hiệu quả đến đâu?
Từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại (cuối tháng 11-2005), việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ được các địa phương quan tâm và xúc tiến mạnh mẽ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo và tiêu biểu này. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ nỗ lực trên đến đâu vẫn là vấn đề cần quan tâm.
Kiểm chứng từ thực tế
Nghệ nhân Ama Pô (buôn Kô Sier, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đánh giá: Nhìn trên thực tế đời sống sinh hoạt văn hóa ở các buôn làng thì số lượng thanh - thiếu niên người dân tộc thiểu số tại chỗ biết diễn tấu cồng chiêng, nhất là chiêng đồng không nhiều. Mỗi buôn làng chỉ có vài em và vì thế không đủ cơ số để hình thành một đội chiêng hoàn chỉnh. Trong mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, số ít em biết chơi chiêng phải ghép chung với những nghệ nhân già để diễn tấu, chứ không phải buôn làng nào cũng có đội chiêng trẻ riêng biệt.
Dạy thẩm âm chiêng cho lớp trẻ tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên được tổ chức ở Kon Tum vào tháng 3-2016. |
Điều đó có thể thấy rõ qua hoạt động văn hóa thường niên được các địa phương tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk, trong có cồng chiêng. Theo nhìn nhận của nghệ nhân Ama Pô, qua những dịp như vậy cho thấy số đội chiêng trẻ tham gia khá khiêm tốn. Là người am hiểu cồng chiêng, được mời tham gia Hội đồng thẩm định qua ba kỳ Liên hoan Nghệ thuật dân gian toàn tỉnh những năm gần đây, nghệ nhân nổi tiếng này nhận xét: Số người trẻ thực sự biết đánh chiêng không tăng lên đáng kể. Ví như trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, có tất cả 33 thôn, buôn, khối phố là người dân tộc bản địa, nhưng chỉ có 5-6 đơn vị có đội chiêng trẻ tham gia liên hoan, cũng như thường xuyên thực hành các nghi thức văn hóa có liên quan đến cồng chiêng do gia đình, dòng tộc hoặc cộng đồng đứng ra tổ chức. Còn lại các buôn làng khác không có đội chiêng trẻ, thậm chí khó tìm người kế thừa để phiên chế vào một dàn chiêng nào đó bị hiếu khi có nghệ nhân cao tuổi đau ốm, hoặc đã mất. Do vậy, chẳng khó khăn gì để lý giải nhiều buôn làng bây giờ không còn cồng chiêng vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân thiếu đội ngũ kế thừa là một thực tế không thể phủ nhận!
Ở góc nhìn khác, nhạc sĩ Y Phôn K’sor-người từng có mặt trong Ban tổ chức các lần Hội diễn Văn nghệ dân gian cấp huyện và thành phố trong thời gian qua chia sẻ: Không riêng gì cồng chiêng mà ngay cả các làn điệu hát Kưt, Aray có đệm cồng chiêng, kèn đing năm, đing tút, ky pah…cũng chưa được thế hệ trẻ kế thừa xứng đáng, do vậy vốn văn hóa này ngày càng mai một đáng kể. Nhạc sĩ Y Phôn dẫn chứng trong các kỳ liên hoan văn nghệ dân gian được ngành văn hóa thành phố tổ chức qua 9 kỳ (từ năm 2007 đến nay), số lượng tiết mục văn nghệ đã giảm từng năm vì thiếu nghệ nhân. Đặc biệt là hoạt động biểu diễn cồng chiêng đang có dấu hiệu nhạt dần về phương diện bài bản cổ, cũng như kỹ năng diễn tấu. Vì sao, thì Y Phôn K’sor cho rằng người nắm giữ bài bản và kỹ năng ấy không còn nhiều, trong khi thế hệ trẻ được trao truyền vốn văn hóa của cha ông để lại thì quá ít, nên các tiết mục văn nghệ có yếu tố cồng chiêng tham gia không còn phong phú, sâu đậm như trước.
Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong ba đội chiêng trẻ tiêu biểu của Đắk Lắk hiện nay. |
Nếu như những năm 2007-2010, các lần Hội diễn Văn nghệ dân gian diễn ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã thu hút gần như đầy đủ 33 thôn, buôn, khối phố người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia diễn tấu cồng chiêng, cũng như biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ trên nền nhạc cụ tre trúc và cồng chiêng, thì đến năm 2014-2015 số đội chiêng tham gia đã giảm gần 1/3. Trong đó các đội chiêng trẻ chỉ còn rải rác ở vài buôn như Kô Sier, buôn Ky, A Kô Dhông, Ea Bông và K'mrơng Prông A. Điều đáng nói ở đây là phần đông lớp trẻ biết chơi chiêng chủ yếu là chiêng tre, chứ không phải là chiêng đồng truyền thống.
Có thực chất hay không?
Rõ ràng việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong các buôn làng hiện nay đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Theo nghệ nhân Ama Pô và Y Thim Byă, ngoài số lượng người (đội chiêng trẻ) không tăng lên qua từng năm, vấn đề đáng nói hơn là chất lượng đào tạo cho đội ngũ kế cận cũng cần phải kiểm chứng lại về mặt kỹ năng, bài bản diễn tấu… nhất là đối với chiêng đồng truyền thống. Bởi các nghệ nhân trên cho rằng, trong quá trình truyền dạy, thì bài bản cũng như kỹ năng diễn xướng mà các em học được không đáng kể và không tới nơi, tới chốn. Nói cách khác là còn chạy theo phong trào, hoặc làm theo “kế hoạch” của ngành văn hóa địa phương đặt ra, chứ không phải là một nhu cầu tự thân và thực chất. Trừ một vài buôn làng làm dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu thưởng thức loại hình âm nhạc đặc sắc này của du khách - như buôn Kô Sier, Ea Bông, A Kô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) thì các em được người thân trong gia đình, dòng họ trao truyền cho vốn “văn hóa cồng chiêng” khá nhuần nhuyễn và sâu sắc để thực hành sinh kế. Qua tìm hiểu, các nghệ nhân này cho rằng con số 350 đội chiêng trẻ trên địa bàn tỉnh được truyền dạy trong thời gian qua chưa hẳn là thực chất, bởi chưa ai kiểm chứng và đánh giá một cách đầy đủ, khoa học. Con số đó chỉ là báo cáo của ngành văn hóa mà thôi.
Ông A Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar cũng đồng tình với nhận xét đó và đề xuất nên thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định trình độ “thẩm thấu” âm nhạc cồng chiêng của các em sau mỗi khóa học, không nên đua nhau mở lớp dạy và học cồng chiêng theo phong trào, xong rồi thôi! Ông A Mang thừa nhận hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar đang diễn ra thực trạng đó, có rất nhiều lớp dạy và học cồng chiêng mở ra tại nhiều địa phương, nhưng không ai đứng ra kiểm chứng chất lượng sau mỗi khóa học cả. Vì thế, trên danh nghĩa là một huyện có nhiều đội chiêng trẻ nhất Đắk Lắk (hơn 30 đội), nhưng khi tìm chọn một vài dàn chiêng trẻ tham gia hội diễn cồng chiêng cấp huyện, hay cấp tỉnh thì không phải là chuyện dễ dàng.
Những ý kiến trên là cần thiết và hết sức quan trọng trong công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ kế cận hiện nay. Hơn ai hết, ngành văn hóa nên phối hợp với nghệ nhân tại chỗ để thực hiện, nếu không thì chất lượng và hiệu quả mang lại từ Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk” (trong đó có nội dung truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ) giai đoạn 2016-2020 sẽ không đạt kết như mong đợi.
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, đến nay trên địa bàn Đắk Lắk có 350 đội chiêng trẻ được đào tạo thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk” giai đoạn 2007-2010 và 2011-2015. Trong giai đoạn tiếp theo 2016-2020, nội dung truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ sẽ được đầu tư quan tâm hơn nhằm nâng số đội chiêng trẻ lên 500 đội trên tổng số 608 buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ. |
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc