08:06, 16/07/2016
Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng… thì vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của các tộc người bản địa là nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào để cho các doanh nghiệp (DN) làm du lịch văn hóa-sinh thái trên địa bàn Đắk Lắk khai thác và phát triển. Tuy nhiên, đến nay loại hình du lịch Homestay vốn giàu tính cộng đồng này đang mất dần vị thế trong chuỗi gia tăng giá trị của “ngành công nghiệp không khói” tại nhiều địa phương.
Ở TP. Buôn Ma Thuột, khoảng 3-4 năm trước, nhiều buôn làng trong phố, nhất là buôn Akô D’hông (phường Thắng Lợi) là điểm đến trải nghiệm của du khách thông qua một số đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn Đắk Lắk. Tuor Homestay thời điểm ấy là thế mạnh, đồng thời là sản phẩm đặc thù của “ngành công nghiệp không khói” ở đây. Anh Y Wol Niê - Phó buôn Akô D’hông cho biết: Công ty Du lịch Vạn Phát là đơn vị đầu tiên xúc tiến tour Homestay tại buôn này bằng việc kết nối với nhiều hộ gia đình người dân tộc tại chỗ để mở ra nhiều dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Amí Piết cho hay: Vào thời điểm đó, mỗi ngày gia đình bà kiếm được khoảng 200 nghìn đồng từ hoạt động cho thuê trang phục người dân tộc thiểu số tại chỗ và gia công mặt hàng thổ cẩm lưu niệm cho du khách. Nhờ vậy đời sống của nhiều gia đình là thành viên trong nhóm làm dịch vụ trên cho Công ty Du lịch Vạn Phát đã được cải thiện đáng kể. Còn anh Y Đưng tâm sự thêm: Không riêng gì những người làm dịch vụ ở đây có đời sống khấm khá hơn, mà nhiều gia đình làm nông nghiệp thuần túy cũng “ăn theo” hoạt động du lịch sôi động trên địa bàn thành phố. Chẳng hạn như gia đình Amí Wét - bà chỉ chuyên trồng các loại rau, củ trong vườn, nhưng hằng tháng cũng cho thu nhập đáng kể nhờ các đơn vị kinh doanh du lịch trong vùng đặt mối tiêu thụ. Hay như nhà ông Y Khoa Krông cũng thế, ông tập trung làm rượu cần, đồ gỗ và đá mỹ nghệ bán cho du khách nên cũng có “đất sống” nhờ kết hợp với các tour du lịch Homestay mở ra.
|
Du khách quốc tế được đưa đến Hồ Lắk trải nghiệm các dịch vụ du lịch theo thỏa thuận trước, nên những hộ gia đình làm Homestay ít được hưởng lợi. |
Song, đến nay loại hình du lịch Homestay không sôi động như trước nữa do sự liên kết lỏng lẻo giữa DN với cộng đồng. Nói như anh Y Wol, sự lỏng lẻo này bắt đầu từ khi nhiều đơn vị làm du lịch cùng đổ xô vào đây làm Homestay. Mỗi đơn vị làm du lịch đều kết nối với cộng đồng theo những phương cách khác nhau, nhưng không đơn vị nào chịu đầu tư bài bản mà chỉ xem vốn văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ là đối tượng khai thác thuần túy không hơn, không kém! Đến nỗi, có hộ gia đình đã từng tham gia tích cực loại hình du lịch cộng đồng này ngỏ ý muốn được DN liên kết làm du lịch ở Akô D’hông đầu tư một khoản nho nhỏ để nâng cấp, sửa sang lại ngôi nhà dài, hay mua nguyên vật liệu (sợi vải, khung dệt thổ cẩm, chóe rượu cần…) nhằm phục vụ du khách theo tour, nhưng không được đơn vị nào đáp ứng. Dần dà họ nhận ra mình bị lợi dụng, thậm chí là bị “bóc lột” về vốn văn hóa để cho các đơn vị làm du lịch kiếm lời. Và từ đó, khoảng gần 2 năm nay, tour du lịch Homestay đã không được triển khai tại các buôn làng trên địa bàn Buôn Ma Thuột, vì các cộng đồng người dân tộc tại chỗ không chia sẻ, hợp tác nữa.
Tương tự ở huyện Lắk, tình trạng trên cũng đã xảy ra. Anh Nguyễn Văn Tuấn-Công ty Du lịch Vạn Phát, phụ trách tour Homestay ở buôn Lê (thị trấn Liên Sơn) có lần tâm sự: Thấy kiểu làm ăn chụp giựt, cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động đưa đón du khách đến các điểm Homestay ở Buôn Ma Thuột trong thời gian qua, Vạn Phát đã chuyển hướng đầu tư về Lắk với mong muốn tạo dựng hình ảnh du lịch kết nối với cộng đồng một cách bền vững và chuyên nghiệp hơn. Cuối năm 2014, Vạn Phát đã liên kết với gần 15 hộ gia đình ở buôn Lê để triển khai tour Homestay với nhiều sản phẩm đa dạng, mới mẻ: trải nghiệm dệt thổ cẩm, rượu cần, masage và tắm nóng bằng dược liệu tự nhiên sẵn có trong vùng…
|
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống phục vụ du khách theo tour Homestay tại nhà nghệ nhân Y Thim (buôn Bông - xã Cư Êbur - TP. Buôn Ma Thuột).
|
Có thể nói loại hình du lịch dựa vào cộng đồng ấy đã tạo ra “cú hích” đáng kể để người dân chia sẻ và hưởng lợi theo. Những gia đình nghèo ở buôn Lê, buôn Jun và nhiều buôn lân cận Hồ Lắk không có tài sản đáng kể (như voi, cồng chiêng, thuyền độc mộc và nhà dài…) để tham gia đóng góp làm du lịch với Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, hay Hợp tác xã Voi buôn Jun, thì thông qua tour du lịch này đã tạo điều kiện cho con em họ kiếm sống một cách ổn định. Những đêm xoang, nghe diễn tấu cồng chiêng, dệt vải và thưởng thức rượu cần mà du khách yêu cầu khi đến đây là dịp để cho con em những gia đình nghèo trong vùng tham gia và kiếm thêm thu nhập. Chị H’Lăm bộc bạch: Những gia đình nghèo như chị - dù chưa được hưởng lợi nhiều từ hoạt động du lịch nhưng có công ăn việc làm và thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng như thế là tốt lắm rồi. Mong sao những công ty làm du lịch có nhiều sản phẩm hơn, thường xuyên đưa du khách đến buôn làng sinh hoạt và trải nghiệm với gia đình để con em mình có cơ hội tham gia phục vụ, góp phần cải thiện đời sống là nguyện vọng của nhiều người dân ở đây.
Tiếc là nguyện vọng ấy đã “giữa đường đứt gánh” do sự cạnh tranh, làm du lịch theo kiểu manh mún và nhất thời của các DN lữ hành trong tỉnh cũng như nơi khác khi đưa du khách đến Lắk. Phần lớn, họ vẫn không đầu tư và “liên kết” với từng gia đình, cộng đồng mà theo phương châm: “lượt khách nào thì ăn chia theo lượt khách đó” rồi đi. Do vậy nên thu nhập không đáng kể, họ chỉ kiếm được món tiền nhỏ từ việc bán ra những mặt hàng thổ cẩm, rượu cần… Theo anh Y Ơm Siên, chồng chị H’Lăm, cách làm du lịch “tay không bắt giặc” như vậy của không ít đơn vị lữ hành đến đây đã “giết chết” ý hướng làm du lịch có sự liên kết chặt chẽ và có sự đầu tư bài bản cho cộng đồng như Công ty Du lịch Vạn Phát. Điều đó không sai, gần 15 hộ gia đình ở buôn Lê liên kết với Vạn Phát trong tuor Homestay đã thật sự gặp khó khăn từ năm 2015 đến nay. Trong đó có một số dịch vụ không thể hoạt động do sự chèo kéo, thậm chí phá giá của các công ty lữ hành ở nơi khác đưa đón khách về tham quan, nghỉ dưỡng tại Hồ Lắk.
Đã đến lúc vấn đề thể chế hóa lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Đắk Lắk cần phải được các cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền ban hành và quan tâm đúng mức, để các DN làm du lịch ở địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược kinh doanh theo lợi thế của mình. Tránh chạy theo với từng sản phẩm cùng ngành nghề trong tư thế và tư duy “ăn xổi, ở thì” khiến bức tranh du lịch ở đây - nhìn từ tour Homestay trở nên ảm đạm hơn. Việc tự nỗ lực tìm hướng đi thích hợp cho mỗi DN khai thác và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phải được xúc tiến, tính toán kỹ lưỡng hơn, coi đó là mối quan tâm hàng đầu trong lộ trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung của mỗi cộng đồng, địa phương. Có như vậy thì tiềm năng và thế mạnh du lịch ở mỗi vùng mới thật sự là tài sản to lớn giúp cho cộng đồng nắm giữ nó cùng với DN khai thác để làm giàu cho chính mình và xã hội.
Phương Đình
Bài, ảnh: Phương Đình
Ý kiến bạn đọc