Multimedia Đọc Báo in

Phố cổ Đồng Văn - nét xưa còn mãi

11:30, 11/07/2016
Lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), không chỉ được thả hồn theo những sườn đồi bát ngát nương ngô của người Mông, ngắm hàng trăm vách núi tai mèo giữa đất trời Lũng Cú, trải nghiệm cảm giác choáng ngợp khi đứng trên đỉnh núi Ma Lé nhìn xuống dòng Nho Quế mà còn được “đắm mình” trong không gian phố cổ Đồng Văn. Phố cổ này là cái nôi văn hóa đặc biệt cổ xưa nhất của người Mông ở địa đầu Tổ quốc và là điểm du lịch độc đáo nơi miền biên viễn. 
 
Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1.000-1.600 m so với mặt nước biển, cách TP. Hà Giang 160 km. Ở đây có một khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc độc đáo hàng trăm năm tuổi mà vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm của nó luôn tạo nên sự quyến rũ đặc biệt. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng phố cổ Đồng Văn gần như còn nguyên vẹn, chỉ một số tuyến phố được làm mới để tiện đi lại và phục vụ khách tham quan du lịch. Chiêm ngưỡng  những mái nhà trầm mặc nép dưới chân núi, rảo bước trên con phố lặng lẽ uốn lượn quanh đường bình độ trên triền dốc cao dưới cái nắng chiều vàng ấm áp, du khách như được trút hết mệt mỏi sau khi vượt những cung đường hiểm trở từ Mèo Vạc đến thị trấn đặc biệt này.
Du khách dạo chơi ngắm phố cổ Đồng Văn.
Du khách dạo chơi ngắm phố cổ Đồng Văn.

Theo người dân ở đây kể lại, vào năm 1880 của thế kỷ 19, nơi phố cổ Đồng Văn bây giờ là đồi núi trập trùng, quanh năm mây mù bao phủ. Giữa hàng trăm đỉnh núi nhọn hoắt, có một thung lũng nhỏ và một bãi đất thoai thoải theo sườn núi. Người Pháp đã xẻ núi làm đường, xây những ngôi nhà bằng đá lấy từ núi đá tai mèo ép sát chân núi tạo nên phố Đồng Văn. Khi mới hình thành đầu thế kỷ 20, khu phố cổ này chỉ có vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống, nghề nghiệp chủ yếu là săn bắt, trồng ngô. Bây giờ thì phố cổ Đồng Văn đã sầm uất hơn xưa rất nhiều. Nói đến phố cổ Đồng Văn không thể nói đến chợ cổ Đồng Văn, bởi đây chính là nơi lưu giữ dấu tích văn hóa cổ xưa nhất của người Mông và hầu như còn nguyên vẹn cho đến bây giờ. Khu chợ cổ Đồng Văn không rộng, chỉ gồm 3 dãy nhà xây một tầng thấp được xếp hình chữ U. Trước đây, người dân phố cổ (chỉ khoảng 40 hộ) đều buôn bán ở đây. Chợ phiên Đồng Văn họp vào chủ nhật hằng tuần. Cứ các tối thứ 7 trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; hoặc đốt lên những đống lửa bập bùng khi vào mùa đông khắc nghiệt.

  Đi giữa lòng phố cổ, hòa mình vào dòng người trong chợ cổ Đồng Văn, dường như bao ưu phiền tan biến hết, nhất là khi được ngồi trong quán cà phê với kiến trúc rất cổ xưa nhâm nhi ly cà phê. Hàng ngàn du khách tới đây đã thốt lên rằng, đến phố cổ Đồng Văn mà chưa uống cà phê thì xem như… chưa đến; có thể nói, cà phê phố cổ ở thị trấn Đồng Văn đã níu chân tất cả những ai trót bước vào đây. Quán cà phê ở miền biên viễn này là điểm hẹn vô cùng hấp dẫn với những du khách đến cao nguyên đá. 
 
Nét quyến rũ nơi phố cổ Đồng Văn khiến ai một lần đặt chân đến đây đều muốn quay trở lại nơi này…  
 
Mai Thắng

Bài, ảnh: Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.