Multimedia Đọc Báo in

Ước mơ dang dở của một bảo tàng nhỏ giữa Tây Nguyên

11:28, 11/07/2016
Trên đường Phạm Hồng Thái, TP. Buôn Ma Thuột có một quán cà phê mang tên Điểm hẹn Tây Nguyên, nơi mà những người yêu văn hóa Tây Nguyên biết đến như một “bảo tàng” lưu trữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với những hiện vật vô cùng quý hiếm. 
 
Chúng tôi tìm đến đây sau cơn mưa chiều cuối tháng 6. Võ sư Lê Tuấn, chủ quán đang cặm cụi quét dọn và xông khói chống ẩm cho các cổ vật sau đợt mưa dai dẳng nhiều ngày. Trước mắt chúng tôi là những bộ trống cổ (H’gơr) được xếp thành hàng lối như những chàng trai Tây Nguyên uy nghi hùng dũng; những bộ chiêng xen kẽ nhau; phía dưới là những ché rượu cần lớn nhỏ đủ loại tiếp nối... Để có được những hiện vật vô giá này là cả một quá trình góp nhặt, sưu tầm hơn nửa đời người của võ sư Lê Tuấn và người vợ quá cố, bà Ngô Thị Kim Cúc. 
 
Những năm trước đây, khi các hiện vật quý của đồng bào các dân tộc bản địa bị hao hụt nhiều vì nạn buôn bán cổ vật, hai vợ chồng ông bàn nhau sưu tập, gìn giữ trước khi chúng “biến mất” khỏi Tây Nguyên. Bao nhiêu tài sản, tiền của ông bà đều bỏ ra để tìm mua lại. Võ sư Lê Tuấn tâm sự: “Vợ tôi có hơn 30 năm công tác trong ngành Bảo tàng, có cơ hội đi nhiều nơi, tìm hiểu tiếp xúc với văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bởi thế, trong bà ấy có niềm đam mê cũng như tình cảm rất đặc biệt đối với văn hóa nơi đây. Bà đi đến đâu cũng được bà con buôn làng quý mến, tặng những vật dụng thân thuộc của họ như quả bầu khô treo trên kệ bếp, vòng tay bằng đồng hay những cái gùi làm kỷ niệm. Từ một người đam mê võ thuật, không biết từ khi nào, tôi cũng đã “lây” niềm đam mê của vợ. Từ đó tôi trở thành bạn đồng hành cùng bà ấy in dấu chân khắp các buôn, làng…”. 
Ông Tuấn cùng số hiện vật trong sân nhà.
Ông Tuấn cùng số hiện vật trong sân nhà.

Hơn 30 năm cùng vợ sưu tầm, ông Tuấn hiện đang sở hữu trên 3.000 hiện vật quý hiếm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, gồm: 500 chiếc cồng chiêng; 100 ché quý; ghế K’pan; 34 bộ quần áo truyền thống của các dân tộc khác nhau; nồi đồng; quần áo bằng vỏ cây, nồi đất, chén, gùi, ná bắn chim… Tất cả những hiện vật này được chia thành từng nhóm đặc trưng: bộ sưu tập trống; bộ sưu tập săn bắt trên bờ - dưới nước; bộ ché; trang phục hằng ngày, trang phục lễ hội; dụng cụ sinh hoạt gia đình; nhạc cụ… Trong đó, ấn tượng nhất bộ sưu tập hơn 136 chiếc trống cổ mặt được bọc bằng da trâu, trống to nhất có đường kính 99 cm, loại nhỏ nhất đường kính 55 cm.

Nâng niu giới thiệu những “báu vật” của mình với khách, ông Tuấn trầm ngâm: “Khi còn sống, vợ tôi có ước mơ là xây dựng một bảo tàng tư nhân lưu giữ những cổ vật này nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, tái hiện đời sống vật chất, tinh thần, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhưng ước mơ ấy đã dang dở khi bà ấy ra đi đột ngột vào tháng 6-2014…”. Hiện quán cà phê Điểm hẹn Tây Nguyên không phục vụ khách do không có người quản lý. Ông Tuấn cho biết, gia đình có 5 sào đất trên đường Trần Quý Cáp, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) mà vợ chồng dự định làm bảo tàng lại nằm trong diện quy hoạch, kinh phí bồi thường không đủ mua đất mới. Các hiện vật mà vợ chồng ông sưu tập được đang phải oằn mình, chen chúc trong gian nhà chật hẹp nên khâu bảo quản gặp nhiều khó khăn, nhiều hiện vật đã bị hư hỏng theo năm tháng… 
 
Ông Tuấn tâm sự: “Từ nay đến năm 2020, tôi cùng 2 cô con gái sẽ cố gắng hoàn thành di nguyện của vợ là xây dựng một bảo tàng văn hóa, dẫu không lớn lắm, để những hiện vật cổ này sớm đến được với công chúng, để mọi người có thể hiểu thêm và góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên…”.
 
Nguyễn Gia 

Bài, ảnh: Nguyễn Gia 


Ý kiến bạn đọc