Multimedia Đọc Báo in

Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử

19:47, 27/09/2016

Chạm đỉnh non thiêng Yên Tử - Chùa Đồng lúc gần 6 giờ chiều, cảm giác hư hư thực thực với mây vờn xung quanh, cảnh vật bên dưới lúc ẩn, lúc hiện khiến lòng người cảm thấy mênh mang giữa “chốn huyền không”…

Chùa Đồng là hành trình cuối cùng trong khu danh thắng Yên Tử, tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068 mét so với mặt nước biển). Nơi đây còn có tên gọi khác là Thiên Trúc Tự (chùa Cõi Phật), từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Chùa được một bà phi của chúa Trịnh khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVII), quy mô nhỏ như một khám thờ đúc bằng đồng. Vào triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1740), bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Đến mùa đông năm 1930, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng bằng bê tông cốt đồng ở vị trí chùa cũ. Nhiều năm sau, các Phật tử công đức dựng lại ngôi chùa mới bằng đồng quy mô nhỏ, đặt bên cạnh ngôi chùa bằng bê tông. Phải đến năm 2007, mới dựng ngôi chùa mới “hoành tráng” như hiện nay với diện tích gần 20 m2, cao gần 4 m, lấy theo mẫu chùa Dâu Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh) và chế tác hoàn toàn bằng đồng. Địa thế chùa được dựng mang hình dáng một đóa sen khổng lồ, trong đó mỗi phiến đá là một cánh sen nở, chùa Đồng tọa lạc giữa đài sen.

Hành trình chinh phục chùa Đồng của chúng tôi khá gian nan vì phải vượt qua gần 6 km đèo dốc, cũng may còn có sự hỗ trợ của 2 trạm cáp treo (trạm đầu dài trên 1,2 km lên tới gần chùa Hoa Yên, trạm thứ hai từ chùa Hoa Yên lên đến gần khu vực tượng An Kỳ Sinh). Theo lời của người bạn đưa chúng tôi đến tham quan Yên Tử, thì đường từ dưới chân núi lên chùa Đồng bây giờ thuận lợi hơn nhiều vì có cáp treo giúp tiết giảm đáng kể thời gian leo núi, đường đi bộ cũng được xây dựng bằng những bậc đá có lan can và kèm theo là hệ thống những cột đèn từ dưới chân núi lên tới chùa Đồng. Còn trước đây, con đường dẫn lên chùa Đồng khá hiểm trở và khó đi, để lên được đỉnh Yên Tử, khách hành hương thường phải đi trong hai ngày. Ngày đầu đi lên chùa Hoa Yên và ngủ lại, sáng hôm sau mới leo tiếp lên chùa Đồng.

Khách hành hương thắp nhang bái Phật tại chùa Đồng.
Khách hành hương thắp nhang bái Phật tại chùa Đồng.

Chạm chân đến đỉnh Yên Sơn – nơi đặt chùa Đồng, đoàn người chúng tôi ai cũng thấm mệt, song không khí trong lành của nơi không phân biệt được đâu là trời, đâu là đất ấy khiến mệt mỏi nhanh chóng tan biến và thay vào đó là cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, thanh thản, hòa mình vào “chốn bồng lai tiên cảnh”. Quả thực, có đặt chân đến chùa Đồng mới lý giải được vì sao mỗi năm dòng người đổ về đây như trảy hội. Xét trên phương diện tín ngưỡng lâu đời, chùa Đồng mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Theo dân gian, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của cuộc đời. Chùa có chuông mây, chuông gió, chuông mưa. Mỗi lần thỉnh chuông là mây, mưa, gió kéo về Yên Sơn rất linh nghiệm. Dòng sinh lực vũ trụ này như mọi nguồn hạnh phúc chảy xuống mặt đất làm nảy nở sự sống. Vì vậy, những tín đồ, phật tử đặt niềm tin vào sự linh ứng ấy, mỗi lần hành hương thăm viếng cõi Phật đều cầu mong được nhập vào nguồn sinh khí vô biên đó. Ở một khía cạnh khác, hàng triệu người đến với chùa Đồng mỗi năm còn bởi lẽ đây là một tác phẩm kiến trúc tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đứng trên đỉnh Yên Sơn, toàn cảnh vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long hiện ra trong tầm mắt. Cả khu rừng Yên Tử lúc ẩn lúc hiện trong những đám mây, thiên nhiên tuyệt đẹp của cỏ cây hoa lá, của núi rừng mênh mông tạo nên một khung cảnh say đắm lòng người. Ở giữa vẻ đẹp ấy, dù là ai cũng đều có chung một cảm giác choáng ngợp.

Sau khi thắp nhang bái Phật, vãn cảnh chùa, đoàn người chúng tôi lại bắt đầu hành trình xuống núi. Đi giữa thiên nhiên mênh mông, kỳ thú, bỗng như nghe vẳng lời bài hát “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Mênh mênh, mang mang Phù Vân Yên Tử. Vi vi, vu vu Trúc Lâm Thiền tự… Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước. Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài…”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.