Multimedia Đọc Báo in

Diễn tấu và chế tác nhạc cụ truyền thống: Nỗi lo kế thừa

12:24, 12/11/2016

Theo đánh giá của Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL), số nghệ nhân trẻ diễn tấu thành thạo cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng tăng lên, trong khi đó số người biết chế tác nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ lại giảm dần, nếu không nói là “đáng báo động”!

Nỗi lòng nghệ nhân già

Cuối tháng 10 vừa rồi, tôi về thăm già A Vít, bố của anh A Mang-Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar. Ông là nghệ nhân chế tác nhạc cụ có tiếng của người Sê Đăng ở buôn Kon H’ring. Sức khỏe của già đã yếu nên không nói chuyện được nhiều như mọi lần trước, chỉ thông qua A Mang diễn giải cho tôi hiểu ý về chuyện chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống ở đây. Qua câu chuyện, tôi biết cả buôn này số nghệ nhân biết chế tác kèn Klông pút, Kô Kleh,  đàn T’rưng, Brâng, Brố… chỉ còn lại vài người như trưởng buôn A Nít, A Nép, A Lem và già A Vít. Tất cả tuổi đã ngoài 70, sức khỏe không còn để lo đến chuyện mất - còn vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong sâu thẳm mỗi người, họ đều nghĩ về nó và luôn bận tâm đến chuyện con cháu mình không còn đam mê đến các nhạc cụ tre trúc mộc mạc kia nữa.

   Qua A Mang, tôi biết già A Vít muốn gửi gắm điều gì. Ông chỉ tay về phía bức vách, nơi treo các cây kèn Klông pút, Kô kleh, đàn Brâng, Brố… ngầm ý rằng - rồi sẽ chẳng còn ai đoái hoài tới, nó sẽ theo già xuống đất, bởi lũ trẻ bây giờ không còn ai thích đàn hát trên nương, trên rẫy như xưa nữa. Trưởng buôn A Nít cũng tỏ ra buồn và trắc ẩn: Thật tình mà nói, chúng nó không như thế hệ cha anh trước, làm gì và chơi ở đâu cũng mang theo cái kèn, cái goong để hát múa. Giờ thì hầu hết lũ trẻ có những thích thú và đam mê khác - đứa thì học Guitar, đứa đàn điện, hát Karaoke với nhạc hiện đại, chẳng còn để ý tới tâm sự, hay nói đúng hơn là nỗi buồn khó nói thành lời của các già… Hơn thế, môi trường sinh hoạt, diễn xướng văn nghệ dân gian dần bị thu hẹp và mất đi, khiến âm thanh từ các loại nhạc cụ thân thuộc và mộc mạc ấy trở nên thưa vắng dần. Thi thoảng nó mới được cất lên từ nỗi nhớ, giàu tâm sự của người già, chứ không còn thường trực trong mọi sinh hoạt thường ngày như trước.

Nghệ nhân Ama Đên (buôn Đinh, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar) biểu diễn kèm đing năm trong dịp Đoàn học sinh Trường dân tộc nội trú N'Trang Lơng đến thăm.
Nghệ nhân Ama Đên (buôn Đinh, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar) biểu diễn kèm đing năm trong dịp Đoàn học sinh Trường dân tộc nội trú N'Trang Lơng đến thăm.

Nỗi buồn và niềm trắc ẩn ấy, tôi cũng đã từng chứng kiến nơi buôn Đinh giàu có, nằm dưới chân ngọn núi Cư Dliê Mnông này. Cà phê, hồ tiêu trúng mùa, được giá nên nhà nào cũng mua sắm dàn nhạc, Karaoke về giải trí. Đặc biệt là lũ trẻ hát mãi rồi “ghiền”, quên luôn kèn đing năm, đing tút, tak tà - vốn nhạc cụ độc đáo và tiêu biểu của ông bà để lại. Có lần già Ama Đên tâm sự, thanh niên trai, gái trong buôn đã quen với sinh hoạt văn hóa hiện đại. Cái hiện đại mà theo già Đên là không biết từ đâu xa lắc, xa lơ du nhập vào, khiến gia đình ông cũng như cuộc sống của cộng đồng người Êđê ở đây trở nên ồn ã, sôi động. Lũ trẻ thì thích, nhưng với người già ở buôn Đinh thì lạc lõng, xa lạ quá. Vì thế đôi khi già Đên nhớ âm thanh tre trúc này mới đem kèn đing năm, đinh puốt ra thổi một mình. Mà thật trớ trêu, phải thổi vào những lúc yên ắng, không còn tiếng ồn đinh óc, nhức tai phát ra từ dàn nhạc Karaoke hiện đại kia. 

Không còn đam mê

Tâm sự này đâu phải của riêng già Ama Đên, những người tôi đã gặp như Ama H’Loan, Ama Khoan ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi-TP. Buôn Ma Thuột) cũng đều nói rằng, thanh niên bây giờ không thích chơi các loại nhạc cụ truyền thống nữa. Việc chế tác lại càng không, vì không đam mê và không hiểu gì đến cái kèn, cái goong của ông bà để lại thì làm sao mà kế thừa được. Điều đó hoàn toàn chính xác, bởi Y Wôn-Trưởng buôn Akô Dhông cho biết, ngoài hai già nói trên (trước đây còn có cụ Ama Rin, cụ Y Thông nay đã mất) thì thanh niên, trai tráng ở đây không ai làm được các loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê nữa.

 
Thật tình mà nói, chúng nó không như thế hệ cha anh trước, làm gì và chơi ở đâu cũng mang theo cái kèn, cái goong để hát múa. Giờ thì hầu hết lũ trẻ có những thích thú và đam mê khác chẳng còn để ý tới tâm sự, hay nói đúng hơn là nỗi buồn khó nói thành lời của các già…
 
 
Ông A Nít , buôn Kon H’ring

Dù chưa có con số khảo sát, thống kê chính xác trên địa bàn Đắk Lắk hiện còn bao nhiêu người biết chơi và chế tác được nhạc cụ dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng ông Đoàn Văn Thống-Trưởng phòng VH-TT thành phố Buôn Ma Thuột chắc rằng không nhiều, mỗi buôn, làng chỉ có 1-2 người mà thôi. Cứ nhìn vào các cuộc Liên hoan Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức 2 năm/lần trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố sẽ thấy số nghệ nhân tham gia diễn tấu nhạc cụ truyền thống giảm dần qua từng kỳ, trong đó số nghệ nhân chế tác nhạc cụ lại càng ít. Cụ thể như huyện Cư M’gar, số liệu khảo sát mới đây cho thấy: số nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa chưa tới 140 người, số nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ chỉ còn lại 43 người và hầu hết tuổi đã cao. Theo A Mang đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi so với 5-7 năm trước đã giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân thì quá rõ: ngoài việc những “báu vật sống” đã lần lượt về với “thế giới ông bà”, thì lớp trẻ không còn mặn mà với vốn văn hóa-văn nghệ dân gian này nữa, nên ý thức kế thừa ngày càng phai nhạt.

  Hy vọng rằng ngành Văn hóa sẽ nhanh chóng có giải pháp chấn hưng đối với các loại nhạc cụ truyền thống trên, nhằm tìm lại và tạo nên sức sống mới cho âm vang tre trúc như đã từng nỗ lực khôi phục giá trị văn hóa cồng chiêng trong một thập niên qua.

“Thật tình mà nói, chúng nó không như thế hệ cha anh trước, làm gì và chơi ở đâu cũng mang theo cái kèn, cái goong để hát múa. Giờ thì hầu hết lũ trẻ có những thích thú và đam mê khác chẳng còn để ý tới tâm sự, hay nói đúng hơn là nỗi buồn khó nói thành lời của các già…” - Ông A Nít, buôn Kon H’ring

                   Phương Đình


Ý kiến bạn đọc