Độc đáo trống của người M'Nông, Êđê
Chóe, chiêng, nồi đồng, trống... là những vật dụng quen thuộc của đồng bào M’Nông, Êđê. Trong đó, trống được xem là vật linh thiêng đem lại sự bình yên và sức khỏe cho người sở hữu.
Trống của người M’Nông, Êđê được chế tác qua nhiều công đoạn hết sức công phu, phức tạp và phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt.
Trống được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng kỹ thuật đục đẽo, khoét rỗng thân cây được cắt ra và được khoét tang trống tại nơi lấy cây. Khi chọn cây làm trống, người M’Nông, Êđê chỉ ước lượng đường kính, kích thước, chiều cao của thân cây, tuyệt đối không dùng thước để đo tránh làm náo động đến thần cây. Khi cây được đốn hạ xuống, thầy cúng tiến hành nghi lễ đuổi ma quỷ, thần ác ra khỏi cây và xác nhận chủ quyền cho chủ nhân sử dụng cây gỗ này làm tang trống. Người M’Nông, Êđê sử dụng các dụng cụ như rìu, dao.. để đục khoét tang trống dần dần từ hai mặt vào; đến khi thông nhau. Sau khi tang trống được khoét xong, người thợ không đưa về nhà ngay mà để lại trong rừng cho đến khô (khoảng 25-30 ngày) rồi mới trở lại rừng làm lễ cúng rước tang trống về nhà. Lễ vật đối với gia đình giàu có là một con trâu đực, còn gia đình khó khăn là một con heo.
Trống của người M'Nông, Êđê. |
Người M’Nông, Êđê theo tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh). Họ cho rằng mọi vật đều tồn tại song song: âm – dương, trời - đất và các vị thần với hiện vật... Vì vậy, khi làm mặt trống phải sử dụng da của hai con trâu (trâu đực và trâu cái). Khi làm thịt trâu, người ta tách nhẹ nhàng để da trâu khỏi bị rách, róc hết phần thịt dính trên da, ngâm với nước vôi, sau đó phơi nắng cho da có độ dai nhất định, không được phơi khô quá da bị cứng sẽ không bịt trống được. Khi căng, da trâu phải được quay tròn căng hết cỡ trên mặt trống rồi đóng đinh chốt (đinh bằng tre) để bảo đảm da không bị co giãn trong quá trình sử dụng. Nếu trước đó đã có da của con trâu đực bọc một đầu trống rồi thì nhất định ở lễ hội sau người ta sẽ làm thịt một con trâu cái để lấy da bọc đầu trống còn lại. Hai mặt trống của người M’Nông, Êđê gọi là mặt đực và mặt cái. Mặt đực và mặt cái được phân biệt dựa vào cấu tạo mặt trống (mặt đực có khoét lỗ thông hơi, mặt cái không khoét lỗ thông hơi) và qua âm thanh phát ra khi đánh vào mặt trống (đánh vào mặt đực có âm trầm, hào hùng; còn đánh vào mặt cái âm phát ra thanh và bay bổng). Người được chọn bịt mặt trống là người phải biết đánh trống, có kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa, là người có sức khỏe, có uy tín trong gia đình, dòng họ và bon/buôn làng.
Khi mặt trống hoàn thành, chủ nhân tiến hành lễ cúng để mời thần linh về dự. Người ta lấy tiết con vật hiến tế bôi lên mặt trống hai lần (lễ hiến sinh thường là con lợn 30 – 40 kg): lần đầu bôi một vòng tròn giữa mặt trống; lần sau bôi lên hai mặt trống để thần linh ngự trị và phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, bon/buôn làng không bị bệnh tật…
Đối với người M’Nông, Êđê, trống là vật nhìn vào đó có thể phân biệt đẳng cấp, giàu có của một bon/buôn, dòng họ, gia đình. Những bon/buôn giàu có thường có từ 4 - 5 cái trống hoặc dòng họ, gia đình sung túc thì có 1 trống; còn bon/buôn nghèo thì có 1 - 2 cái. Âm thanh của trống khi đánh là thể hiện cho sự linh thiêng của Yàng (thần) và còn thể hiện cho giàu có, thịnh vượng của gia đình, dòng họ.
Người M’Nông, Êđê sử dụng trống để báo tin những lễ lớn của bon/buôn hay một sự kiện trong đại của gia đình, dòng họ (như tập hợp bà con trong bon/buôn khi có việc cần hoặc chỉ huy cuộc thi giữa các bon/buôn: đua voi, đua thuyền…) và cũng được dùng trong tang lễ, đến khi người chết được đưa ra khỏi nhà thì trống ngừng tiếng.
Trống không chỉ được xem là tài sản, là thước đo sự giàu có mà còn là vật linh thiêng của bon/buôn, dòng họ và trong gia đình nên thường được trưng bày rất cẩn thận ở những nơi trang trọng. Trống thường được giao cho người có uy tín, địa vị trong gia đình, dòng họ trông coi và bảo vệ (thường là già làng).
Đoàn Nhân
(Bảo tàng Đắk Nông)
Ý kiến bạn đọc