Để tiếng chiêng mãi ngân vang
Những năm trước đây, ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao (huyện Krông Bông) nơi đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Êđê, M’nông sinh sống, nhà sàn, bến nước, rượu cần, cồng chiêng, lễ hội… được coi là “đặc sản” tinh thần của người dân sống dưới chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số lễ hội, lễ cúng dần bị mai một, tiếng cồng, tiếng chiêng đã thưa dần, ít vang lên trong các buôn làng.
Hội thi văn hóa cồng chiêng của xã Cư Pui (huyện Krông Bông). |
Buôn Chàm A (xã Cư Đrăm) có 113 hộ người Êđê. Trước đây mỗi gia đình thường có một bộ chiêng, cứ vài ngày, tiếng chiêng lại vang lên báo hiệu có gia đình trong buôn làm lễ cúng. Nhà này cúng về nhà mới, cúng mừng thọ, nhà kia cúng cầu mưa, cúng mừng lúa mới… Giờ cả buôn chỉ còn khoảng 4 bộ chiêng nhưng cả năm có khi cũng không dùng đến. Buôn chỉ tổ chức đánh chiêng vào lễ cúng bến nước dịp cuối năm. Buồn hơn nữa, dàn chiêng thì đủ bộ nhưng trong buôn chỉ còn vài ba người lớn tuổi biết đánh chiêng, vì vậy khi tổ chức lễ cúng phải mời thêm nghệ nhân ở buôn khác về đánh.
“Lớp trẻ trong buôn bây giờ không ai biết đánh cồng, đánh chiêng. Họ không học và cũng chẳng còn mặn mà với nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình nữa rồi” - Già làng Ama Thiếu, buôn Chàm A, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông). |
Trước đây mỗi khi gia đình nào tổ chức lễ cúng là những người biết đánh chiêng cùng nhau tụ tập, thay phiên đánh chiêng thâu đêm, suốt sáng. Giờ đây, khi số người biết đánh chiêng ở các buôn ngày một ít, việc mời nghệ nhân đến đánh chiêng mỗi khi có lễ cúng rất khó khăn. Nhiều người viện cớ bận công việc, thậm chí phải “trả công” bằng tiền. Ông Ama Khoa (buôn M’nơng Dơng, xã Yang Mao) vừa tổ chức mừng thọ nhưng không mời nghệ nhân đến đánh chiêng dù gia đình cũng có một bộ chiêng đầy đủ. Ama Khoa thở dài: “Trước đây, người trong buôn tổ chức lễ cúng thường mổ heo, gà mời mọi người đến đánh chiêng, uống rượu cần. Mấy năm gần đây, người dân trong buôn ít cúng không phải do khó khăn về kinh tế mà thiếu người đánh chiêng, mời người đến đánh chiêng cũng khó. Vì vậy, mình vừa mừng thọ 70 tuổi nhưng cũng không tổ chức lễ cúng”.
Văn hóa cồng chiêng ở các buôn đồng bào vùng sâu của huyện Krông Bông đang có nguy cơ bị mai một nếu không sớm có những giải pháp để khôi phục, bảo tồn. Song đến nay mới chỉ có xã Cư Pui “vào cuộc”. Hằng năm, xã Cư Pui đều tổ chức Hội thi văn hóa cồng chiêng cấp xã cho 5 buôn đồng bào Êđê, M’nông trên địa bàn; đầu tư kinh phí cho các buôn tổ chức một số lễ cúng cuối năm; mở lớp dạy cồng chiêng cho lớp trẻ; phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phục dựng lại một số lễ cúng truyền thống… Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui là người tâm huyết và luôn trăn trở với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã. Ông đã có công làm “sống dậy” những âm thanh cồng chiêng ở xã Cư Pui từ mấy năm nay. Ông Tâm trăn trở: “Dù khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào. Tuy nhiên, để cồng chiêng thực sự gắn kết với đồng bào cần phải có thời gian, đặc biệt những người trong cuộc phải thực sự tâm huyết”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc