Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống

08:58, 30/12/2016

Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng Liên hoan tạc tượng, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc huyện Cư M’gar lần thứ I-2016 vừa được tổ chức đã đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem.

Liên hoan thu hút 34 nghệ nhân đến từ các xã trên địa bàn tham gia, nghệ nhân lớn tuổi nhất ngoài 80 và có không ít nghệ nhân chỉ ngoài 30 tuổi. Đây là hoạt động ý nghĩa được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phần nhiều các sản phẩm được chế tác trong liên hoan lần này là các loại nhạc cụ độc đáo của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những thanh tre, nứa, ống lồ ô hay quả bầu khô có sức hút khó cưỡng. Những loại nhạc cụ như Đinh puk, Đinh năm, đàn Prố, chiêng Kram, Đàn tính… được chế tác tại liên hoan thật sự ấn tượng, tạo một sân chơi bổ ích, hấp dẫn để các nghệ nhân thỏa niềm đam mê của mình.

Nghệ nhân Y Ngây Êban đan gùi tại Liên hoan.
Nghệ nhân Y Ngây Êban đan gùi tại Liên hoan.

Không chỉ chế tác, các nghệ nhân tham dự còn có tài nghệ diễn tấu các loại nhạc cụ rất thu hút, bài bản, có nhiều đoạn ngắt, chuyển, đối đáp được kết hợp liền mạch, nhuần nhuyễn mang đến không khí đậm nét văn hóa dân tộc tại liên hoan.

Nhiều nghệ nhân lớn tuổi như: Y Bruất Êban, Y Dzưng Êban, Ama Nghen, Y Ngây Êban, Lô Hoàng Hiếu... tham gia chế tác nhạc cụ, thu hút đông đảo người dân địa phương đến thưởng thức và tiếp nhận nhiều vốn văn hóa cổ. Đặc biệt, sự xuất hiện nghệ nhân Ama Nghen (dân tộc Êđê, xã Cư Suê) với việc chế tác cây đàn Goong đã gây không ít bất ngờ, thú vị cho người xem lẫn ban giám khảo. Đó là cây đàn Goong được chế tác theo nguyên tắc cổ truyền của đồng bào Êđê chỉ có 6 dây và cây đàn Goong cải biên gồm 18 dây. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), người đã chế tác nhiều loại nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên, thì điều đáng nói là từ việc làm ra cấu tạo đàn, đáy đàn, đặt bầu cộng hưởng, tay vịn và lên 18 dây đều ở những vị trí rất chuẩn, tạo thành thứ âm thanh đặc sắc của núi rừng.

Ở Cư M’gar bây giờ, già Y Bruất Êban (sinh năm 1937) là một trong số những người hiếm hoi biết chế tạo ra những loại nhạc cụ độc đáo cho nhiều âm thanh kỳ lạ. Từ một ống tre, quả bầu khô, mấy cái gai của cây Na Blang, ít sáp ong…  qua bàn tay khéo léo của ông đã trở thành chiếc đàn Prố cất lên những âm thanh đặc sắc; hay cây đàn Đinh năm, được tạo  ra từ vỏ  quả bầu khô và mấy ống lồ ô… Già nói, để làm ra được một loại nhạc cụ không khó, chỉ cần để ý, học thêm một ít kỹ năng cơ bản về chỉnh độ cao thấp, song điều quan trọng là phải thật sự say mê và để tâm vào đó. Nếu không chỉ có thể làm ra những cây đàn, cây sáo khô khan, thổi lên thấy vô hồn.

Nghệ nhân Y Ngây Êban (xã Cư  Suê) cũng góp vào liên hoan những chiếc gùi tinh xảo, gửi gắm vào đó sự đam mê với một biểu trưng văn hóa của dân tộc. Vẫn giữ được những đường nan rất thành thạo, từ chiếc gùi ra chợ đến lên nương, cái dần, cái nia… trong nhà hoặc bán cho bà con trong buôn Sút M’rang phần lớn đều do đôi bàn tay khéo léo của Y Ngây làm ra. Những người có kinh nghiệm như ông, trước khi đan thường ngâm cây mây trong nước mấy ngày, sau đó vót nan đều tạo độ cong nhất định thì gùi mới bền, chắc, qua sử dụng lâu ngày gùi lên màu nâu sẫm rất đẹp.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân nhận xét, nhiều nghệ nhân đã đem đến liên hoan những nhạc cụ đặc sắc, mang đậm bản sắc và được chế tác với kỹ thuật cao, rất công phu. 

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.