Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo tục chia nước của người Mày

07:42, 08/01/2017

Người Mày (dân tộc Chứt) có vỏn vẹn hơn 200 nhân khẩu (số liệu năm 2016), sống tại vùng rẻo cao biên giới thuộc 2 xã Dân Hóa, Trọng Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Chữ “Mày” có nghĩa là con nước đầu nguồn, cũng giống như tính tình khí khái, bất chấp hiểm nguy, luôn chọn vị trí trên đỉnh những quả đồi hoang vu, bạt ngàn làm nơi cư ngụ của tộc người này. Người Mày rất quý trọng, có ý thức bảo vệ nguồn nước; đặc biệt, tục chia nước trước thềm năm mới của người Mày là nét văn hóa độc đáo và nhiều ý nghĩa… 

Người Mày luôn ở trên một địa hình cao mà theo truyền thuyết đó phải là một ngọn đồi từng là nơi ẩn ngụ của loài chim đại bàng, là địa điểm có thể tận mắt chứng kiến được dòng nước trong từng hốc núi cao dẫn dòng xuống khe suối. Dẫu phải đối mặt với bao hiểm nguy, người Mày vẫn vững vàng bảo vệ những thực thể xung quanh mình, ưu tiên trước hết phải là nguồn nước.

Bản người Mày giữa đại ngàn.
Bản người Mày giữa đại ngàn.

Đã trở thành một tập quán tốt đẹp, cứ mỗi tinh sương, một vài thành viên trong gia đình người Mày với dụng cụ là ống lồ ô đục rỗng, ống bom bi phế liệu hay mỗi đầu đòn gánh là một cái can nhựa 5 lít, từ từ leo xuống những con dốc ngược đứng để lấy nước dưới khe suối về dùng cho sinh hoạt. Thoạt nghĩ, phải chăng tổ tiên người Mày đã tự đánh đố và làm khó con cháu mình khi ở đầu nguồn nước mà lại đóng bản trên đỉnh đồi để rồi mất cả tiếng đồng hồ mới gánh được một chuyến nước? Các già làng tộc người Mày nói rằng, làm thế để các lớp người sinh sau càng ý thức hơn thứ tài nguyên vô giá do trời đất tặng ban. Hơn nữa, việc người Mày được may mắn hưởng dùng dòng nước đầu nguồn khơi lên ý niệm thường trực, nguồn nước với họ chính là một biểu tượng văn hóa linh thiêng, là vị thần đầy quyền uy mà họ đã được may mắn thấm nhuần và nhận được sự chở che ngay từ buổi lọt lòng. Ngày lãnh nhiệm trọng trách coi sóc nguồn nước cũng là ngày họ được tiền nhân giảng giải làm thế nào để các tộc người anh em ở phía giữa nguồn và thượng nguồn được ăn uống và tắm mát bằng một thứ nước trong lành và an toàn  nhất…

Điều này được chứng thực trong những truyện kể dân gian của người Mày, họ cho rằng nguồn nước vô hạn mà dòng sông Gianh đang sở hữu (dài khoảng 160 km, cùng với Đèo Ngang là 2 biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình) bắt nguồn từ sự quả cảm và những lần đấu trí sống còn của người Mày với các bộ tộc xâm lấn. Trong quá trình quần thảo, quân ác nhân đã dùng nhựa cây có chứa chất độc và cả thuật làm phép để nguồn nước trở nên độc hại và khô cạn. Tuy dã tâm độc ác đến thế nhưng chúng không thể nào tiếp cận được hai cái giếng, một vuông, một tròn do thần Ku-téc (thổ nhưỡng) của người Mày cai quản. Từ mạch nguồn quý giá còn lại đó, người Mày cầu xin thần Ku-Lôông (thần mưa) ban mưa, giải lời nguyền độc ác và họ nhanh chóng được thần linh nhận lời. Nước mát từ giếng của thần thổ nhưỡng tuôn đổ xuống dãy núi Giăng Màn, vùng đất họ chọn để ăn đời ở kiếp, không chỉ thỏa mãn tưới tắm cho các tộc người trong vùng mà cho cả người Kinh sống dọc triền con sông Gianh huyền thoại. Do đó, người Mày với nguồn nước như chính hơi thở với sự sống, tồn tại song hành.

Trong 3 ngày Tết Nguyên đán, sáng nào cũng vậy, các vị chức sắc khả kính trong bản làng người Mày lần lượt đến từng hộ gia đình, sử dụng chiếc gáo gỗ lấy nước từ chum nước dưới chân cầu thang nhà sàn rồi múc tượng trưng rót vào lòng bàn tay của chủ hộ. Vừa làm hành động cho nước, vị đó vừa giáo huấn, rằng thần nước sinh ra từ đất và trời, nước có lúc hiền từ, bình lặng nhưng tai ương sinh ra từ nước cũng không ít. Là một tộc người sống ở nơi khai sinh nguồn nước, người Mày càng phải ý thức vinh dự cũng như bổn phận lớn lao đối với loại tài nguyên này, chớ phút giây nào bất kính với thần nước vì nếu thế, suối nguồn hung tợn này sẽ cuốn phăng mọi thứ đi bất cứ lúc nào. Người Mày tồn tại trên nguyên tắc sẻ chia nguồn nước. Có nguồn nước mới có người Mày và nguồn nước đã dạy người Mày biết sẵn sàng xả thân vì bè bạn thân hữu.

Tục chia nước của người Mày còn tồn tại trong cái cách tộc người này bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ mới có được nguồn nước tốt lành để sẻ chia. Bảo vệ cho ruộng nương không khi nào khô khát, cho thủy loài luôn sinh sôi, dưỡng nuôi sự sống.

Nét văn hóa trong trẻo sinh ra từ trượng nghĩa, kết đoàn và thương yêu lẫn nhau trong những ngày đầu năm mới này của người Mày là một nghĩa cử đẹp đẽ, một đạo lý nhân bản, một lối sống trách nhiệm hết mình của tộc người này. Đó chính là kho di sản sống động cần được tiếp nối và phát huy cho mai sau…

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.