Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo chợ đồi ở Ea Siên

06:51, 19/03/2017

Hằng năm cứ đến ngày 28 tháng Giêng âm lịch, người dân trên địa bàn xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) không ai bảo ai, lại tụ tập về để cùng chung vui hội đầu xuân Hảng Pồ.

Lễ hội Hảng Pồ trong tiếng Nùng có nghĩa là hội trên đồi, nơi có vị trí cao trong vùng. Đây không chỉ là dịp để người Tày, Nùng ở xã Ea Siên tạ ơn trời đất, cầu an, cầu mùa màng tươi tốt, mừng năm mới, mà còn là dịp người thân, người tình gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau để tỏ bày nỗi niềm, động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và mua sắm đầu năm… Người dân nơi đây thường gọi lễ hội Hảng Pồ với cái tên gần gũi là chợ đồi.

Những năm gần đây, lễ hội Hảng Pồ đã được UBND xã Ea Siên đứng ra tổ chức quy mô hơn nên thu hút hàng trăm người dân ở địa phương và đồng bào Tày, Nùng từ các huyện Krông Pắc, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng và tỉnh Đắk Nông về tham dự. Ngày bắt đầu khai hội, trên đường đi vào trung tâm xã Ea Siên từng đoàn xe lớn nhỏ từ nơi xa về dự; những đôi trai gái xúng xính váy, áo truyền thống tung tăng đi trên đường; các sạp hàng bày biện đủ loại hàng hóa tạo nên không khí nhộn nhịp từ sáng sớm.

Mời nhau nhấp ngụm rượu cần đầu xuân.
Mời nhau nhấp ngụm rượu cần đầu xuân.

Đến với chợ đồi ở Ea Siên, du khách sẽ dễ dàng cảm thấy không khí của chợ tình Sa Pa phảng phất đâu đó. Có nhiều người vẫn gọi chợ đồi là “chợ tình” của các đôi trai gái, bởi từ phiên chợ này, bằng những câu hát mượt mà, nhiều chàng trai, cô gái Tày, Nùng đã tìm được cho mình “một nửa” còn lại. Chị Vy Thị Tươi (46 tuổi) ở thôn 1B bồi hồi nhớ lại: “Mình gặp chồng, yêu và lấy nhau cũng từ “chợ tình” này. Đến nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng phần lớn thanh niên trong xã đều gặp nhau và nảy sinh tình ý từ dịp lễ hội đầu năm này”. Tại chợ đồi, những cặp trai gái cùng chuyện trò về công việc học tập, làm ăn, họ cùng nhau bắt đôi tung còn chọn bạn. Trong không khí rộn ràng của mùa Xuân và men rượu lâng lâng say đắm, nhiều cặp trai gái đã phải lòng nhau rồi nên duyên chồng vợ.

Đến với chợ đồi, người dân và khách thập phương sẽ được tiếp đãi bằng các món ăn truyền thống như: lợn quay với lá mắc mật, khâu nhục, thịt trâu gác bếp… Đây là những món không thể thiếu trong các ngày lễ và là món ăn đặc sản với hương vị độc đáo của người Tày, Nùng khiến ai một lần đến đây thưởng thức đều nhớ mãi. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tấm thịnh tình và lòng mến khách, mỗi dịp đến chợ đồi, các gia đình ở Ea Siên đều sắm thịt heo, thịt trâu và ché rượu để đãi khách. Gặp nhau trong chợ đồi, ngồi quây quần bên nhau, nhấp chén rượu men lá, thưởng thức những món ăn đặc sản và hàn huyên tâm sự đến quên hết thời gian.

Dù liên tục tiếp hết đoàn khách này đến đoàn khách kia nhưng nụ cười ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Siên luôn thường trực trên môi. Ông cho biết, lễ hội Hảng Pồ được tổ chức thường niên ở xã Ea Siên, đây không chỉ là dịp để bà con các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, mua sắm mà còn là dịp người thân ở xa ghé thăm nhau, thể hiện tình người trong những ngày đầu năm. Lễ hội còn góp phần tạo sự gắn kết các gia đình, dòng tộc, các tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.  

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.