Du lịch cộng đồng và vai trò kiến tạo của Nhà nước (Kỳ II)
Kỳ 2: Buôn Đôn - Tiềm năng, thế mạnh không còn
Buôn Đôn là 1/7 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của Đắk Lắk hiện nay. Dĩ nhiên, khu du lịch này đã được UBND tỉnh quy hoạch chi tiết, bài bản dựa trên tiềm năng và thế mạnh vốn có - là cảnh quan, sinh thái đa dạng và phong phú, bản sắc văn hóa đặc trưng và độc đáo của các tộc người Êđê, M’nông, Lào… được hình thành hơn trăm năm qua. Tuy nhiên, nhìn những gì đang diễn ra trên thực tế thì tiềm năng, thế mạnh ấy đã không còn do sự “đánh đổi” lợi ích gữa các ngành nghề với nhau theo hướng thiếu hài hòa, phá vỡ quy hoạch du lịch trước đó cũng như hiện tại.
Theo quy hoạch, Buôn Đôn lấy sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng làm lợi thế cạnh tranh. Vì thế, những gì liên quan đến lợi thế đó đều phải được cân nhắc thận trọng nhằm mục đích duy trì và tôn tạo môi trường, không gian lý tưởng nhất để giúp loại hình du lịch trên phát triển. Vậy mà những dòng sông, thác nước, cánh rừng…ở đây đã không giữ được, khiến hoạt động du lịch của hầu hết các doanh nghiệp (DN), hộ cá thể gặp không ít khó khăn, thậm chí bị ngưng trệ. Có thể nói nguy cơ suy giảm và cạn kiệt nguồn nước trên sông Sêrêpốk là mối lo ngại lớn nhất cho những người làm du lịch ở đây. Hiện tại, hầu hết các đơn vị kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn Buôn Đôn như Công ty TNHH Du lịch văn hóa - sinh thái Thanh Hà, Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn, Trung tâm Dịch vụ Sinh thái và Giáo dục môi trường Yok Đôn, Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương - Bản Đôn… đều “kêu khổ” vì thiếu nước. Họ tỏ thái độ không đồng tình với việc quy hoạch và phát triển nguồn điện năng trên hệ thống sông này theo kiểu “đánh đổi” lợi ích thiếu công bằng.
Sông Sêrêpốk trơ đáy do hệ lụy từ các công trình thủy điện là thách thức đặt ra đối với ngành du lịch. |
Trên dòng Sêrêpốk hiện đã có 4 nhà máy thủy điện được xây dựng và đưa vào khai thác không những vắt kiệt lượng nước tự nhiên rất lớn của dòng sông, mà còn khiến không ít lòng hồ ở đây bị teo tóp dần. Chẳng hạn như hồ Cư Minh, không còn sâu và rộng do những cánh rừng ở đây không có khả năng sinh thủy dồi dào như trước khi dòng sông bị vây chặn để xây dựng thủy điện, khiến hệ sinh thái trên toàn vùng ngày càng trở nên mất cân bằng trầm trọng. Ông Vũ Đức Giỏi, phụ trách Khu Sinh thái và Giáo dục môi trường Yok Đôn tỏ ra ái ngại khi ý tưởng biến đoạn sông dài khoảng 22 km chảy qua Vườn Quốc gia Yok Đôn thành tụ điểm bơi thuyền và lướt ván… phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách khó thực hiện vì nguồn nước không bảo đảm. Hoặc như Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, trước đây có tour du lịch mạo hiểm hết sức thú vị là thả thuyền theo dòng Sêrêpốk từ trung tâm buôn Trí A đến thác Đrăng Phôk (xã Krông Na) rất được du khách ưa thích, thì nay không còn nữa do mực nước trên sông đã kiệt. Rõ ràng, khi dòng Sêrêpốk không còn duy trì được lượng nước tự nhiên để “sống” thì mọi hoạt động du lịch văn hóa - sinh thái ở đây cũng sẽ “chết” theo, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu biến “ngành công nghiệp không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 như Đề án “Phát triển Du lịch Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt, thông qua.
Cùng hoàn cảnh trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thanh Hà chia sẻ: Từ ngày công trình thủy điện Sêrêpốk 4A ngăn dòng, đi vào vận hành khai thác thì tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu sụt giảm do lượng khách đến với Thanh Hà (về mặt số lượng cũng như thời gian lưu trú) giảm đi quá nửa so với trước. Và điều quan trọng nhất là du khách đến đây đều thất vọng vì sản phẩm du lịch ở đây trở nên “teo tóp” vì những tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện để lại. Ví như ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng Sêrêpốk là một trong những danh thắng nổi tiếng và cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm thú Buôn Đôn, nhưng hiện nay danh tiếng đó không còn, do phải đối mặt với nguy cơ kiệt nước hoàn toàn trong cả năm, chứ không riêng gì vào những tháng mùa khô ở Tây Nguyên. Những gì mà Công ty TNHH Du lịch Thanh Hà phản ánh là sự thật, tất cả du khách đến đây thăm chơi đều thấy thác Bảy Nhánh phơi mình đen trũi dưới nắng, không còn cảnh tượng thơ mộng, hùng vĩ và quyến rũ như xưa.
Dẫn đến kết cục này vẫn là câu chuyện quy hoạch “chồng” lên quy hoạch. Nhiều người cho rằng đã chọn du lịch thì phải biết “nói không” với thủy điện và ngược lại. Muốn có cả hai là điều không thể, bởi hệ lụy từ những công trình thủy điện để lại có ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch ở đây. Trên thực tế, đoạn sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn Buôn Đôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái quý giá cho vùng đất này. Nếu các công trình thủy điện “nhảy vào” thì vai trò, hay nói cách khác là “sứ mệnh” của dòng sông bị tước mất. Kéo theo đó là đời sống dân sinh bị đảo lộn và tất nhiên các DN làm du lịch trên đia bàn cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Quy hoạch vùng trọng điểm du lịch Buôn Bôn đang trong tình trạng lúng túng và không thể kiểm soát trên các mặt tài nguyên môi trường - sinh thái, vốn văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại chỗ…khiến vai trò kiến tạo của Nhà nước về ngành kinh tế quan trọng này khó thực thi. Cũng vì thế, DN và người dân làm du lịch ở đây đã mất đi điều kiện, cơ hội đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Đắk Lắk trong hiện tại và tương lai.
UBND tỉnh đã có văn bản giao cho Sở VH-TT-DL lập Dự án“Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Yok Đôn” trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo kết luận số 166/TB-VPCP, ngày 7-7-2016 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, xác định rõ giai đoạn quy hoạch dự án để đảm bảo tính khả thi đối với các nội dung, hạng mục đề ra trong dự án để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan theo quy định của Luật Du lịch năm 2005. Đây là1/47 Khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. |
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc