Multimedia Đọc Báo in

Khám phá Lung Ngọc Hoàng - "Báu vật" của vùng Tây sông Hậu

08:01, 05/06/2017

Được thành lập ngày 14-1-2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng có diện tích 2.805 ha thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang).

Với nhiệm vụ bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là nơi khu trú của các loài sinh vật bản địa  độc đáo thuộc hệ sinh thái đất ngập nước vùng Tây sông Hậu.

Theo dư địa chí, đồng bằng sông Cửu Long xưa kia là một vùng biển nông, được hình thành nên do sự bồi lắng của phù sa sông Mê Kông. Ngày nay, các vùng sinh thái nguyên mẫu còn sót lại không nhiều: Đồng Tháp Mười chỉ còn lại Tràm Chim;  Kiên Giang, Cà Mau với U Minh Thượng và U Minh Hạ và Hậu Giang có Lung Ngọc Hoàng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha, xét về mặt môi trường, có một vai trò hết sức quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, như “lá phổi xanh” của vùng Tây sông Hậu. Năm xưa, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi về thăm đã từng căn dặn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương phải bảo tồn cho bằng được “báu vật” hiếm hoi còn sót lại của đồng bằng sông Cửu Long.

Nét  hoang sơ của  Lung Ngọc Hoàng.
Nét hoang sơ của Lung Ngọc Hoàng.

Dân gian tương truyền, ngày xưa Lung Ngọc Hoàng có nhiều đàn voi di chuyển, kiếm ăn  từ nơi này sang nơi khác. Những bầy voi đi qua làm lún đất, sụt lở, tạo thành những lung, vũng, mương, bàu, lạch. Theo sách “Địa chí Cần Thơ”, hơn 120 năm về trước đã có người đến khai khẩn Lung Ngọc Hoàng. Trước năm 1945,  có nhiều địa chủ đã thuê người vỡ đất làm ruộng và khai thác cá. Về sau, do chiến tranh, Lung Ngọc Hoàng bị bỏ hoang hóa, trở thành căn cứ cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến. Trong trí nhớ của “lão nông tri điền”  Nguyễn Văn Tư (82 tuổi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), truớc năm 1975, cá tôm và rùa rắn ở Lung Ngọc Hoàng nhiều vô kể; đến nỗi đẩy ghe qua mương, xẻo nhỏ, tôm bị động phóng rơi vào ghe; khi đốt đồng, rùa rắn bị nóng, bò chạy vướng bẫy, lưới bắt không hết. Từ xưa, Lung Ngọc Hoàng nổi tiếng là một “rốn cá”, “vựa rắn” thiên nhiên của miền Tây sông Hậu.

Lung Ngọc Hoàng có  hệ thực vật vùng đất ngập nước với những quần thể rất đa dạng. Đó là các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong, rau mác, bồn bồn, lục bình... Những loài cây trên cạn cũng khá nhiều như trâm, sắn, ngái lông, mua, dừa, gáo...  Theo thống kê, tại Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ; trong đó có 56 loài mới được phát hiện. Lung Ngọc Hoàng còn tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang... Tất cả có 206 loài động vật, trong đó có 9 loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm...

Hiện nay, kết hợp với chức năng bảo tồn sinh cảnh tự nhiên và các loài động thực vật đặc trưng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang được đầu tư để phát triển du lịch. Giữa năm 2016, địa phương đã xây dựng con đường bê tông dài 5 km dẫn vào Khu Bảo tồn giúp khách tham quan có thể đi bộ, đi xe máy, hoặc đi xuồng dọc theo các con kênh ngang dọc để khám phá hệ sinh thái ngập nước đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng sẽ tái hiện, phục dựng gác kèo ong lấy mật, gây trồng các loại rau rừng đặc sản như sen, bông súng, đọt choại...; tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí mang tính dân gian địa phương như câu cá đồng, tát mương, cưỡi trâu, tổ chức cắm trại trong rừng hay mở tour homestay cho khách trải nghiệm bên dòng kênh Long Phụng nổi tiếng với câu ca dao: “Công danh đâu nữa mà chờ!/Về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em”…                

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.