Multimedia Đọc Báo in

Thăm đền Mẫu Đông Cuông

09:02, 04/06/2017

Từ bao đời nay, bên dòng sông Hồng hiền hòa, thơ mộng, đền Mẫu Đông Cuông là điểm đến tâm linh vùng Tây Bắc của du khách thập phương. Ngôi đền là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, thờ các vị thần vệ quốc có công với đất nước và là nơi gắn liền với tín ngưỡng hầu đồng miền Tây Bắc…

Cách thành phố Yên Bái 50 km về phía tây bắc, đền Mẫu Đông Cuông tọa lạc trên một bãi đất bằng phẳng bên hữu ngạn sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Tọa lạc ở địa thế sơn thủy hữu tình, ngôi đền trông ra sông Hồng quanh năm phù sa đỏ nặng, xung quanh núi non trùng điệp, mây núi bồng bềnh như gợi lên một vùng tiên cảnh trần gian.

Đến đền Mẫu Đông Cuông, nghe kể về truyền thuyết Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, du khách như được hòa vào miền truyền thuyết vừa huyền bí xa xăm, vừa thiêng liêng gần gũi. Truyền thuyết kể rằng, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn vốn là công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh và Mỵ Nương. Công chúa La Bình là một cô gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ lao động và sống hòa đồng với cỏ cây, con người. Nàng luôn theo cha đi khắp sơn ngàn để vãn cảnh và cai quản miền sơn cước. Đến vùng nào, công chúa cũng dạy dân trồng lúa, trồng cây trái và tạo dựng nhà cửa. Sau này, khi Sơn Tinh và Mỵ Nương về trời, hóa vào cõi bất tử thì công chúa La Bình được phong là công chúa Thượng Ngàn, đảm nhiệm việc cai quản miền rừng núi.

Đền Đông Cuông - điểm đến tâm linh vùng Tây Bắc.
Đền Đông Cuông - điểm đến tâm linh vùng Tây Bắc.

Từ trong truyền thuyết và nhiều huyền tích được người dân quanh vùng lưu giữ, kể lại, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn gắn liền với lịch sử đền Mẫu Đông Cuông. Ngôi đền được coi là nơi “khởi thủy” thờ Mẫu Thượng Ngàn, là nơi gắn với tín ngưỡng hầu đồng. Chẳng thế mà, những nét kiến trúc của các ngôi đền, miếu trong quần thể di tích như đền Mẫu, miếu Cô, miếu Cậu, tòa sơn trang, miếu thần linh và miếu Đức Ông  đều có hình ảnh của hoa, lá, cây cối, chim muông chạm khắc trên các bức tường, hoành phi khiến du khách đắm chìm trong huyền tích Mẫu Thượng Ngàn.

Bức tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn thờ trong đền Mẫu Đông Cuông có hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp với khuôn mặt phúc hậu, hiền từ - vẻ đẹp gần gũi, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn gắn liền với tín ngưỡng rất gần gũi của người Việt miền Tây Bắc là tục thờ Mẫu Mẹ, thờ người mẹ xứ sở, người mẹ vũ trụ, người mẹ tạo ra muôn loài, tạo ra núi, rừng, non nước và hoa trái… Vì thế, ở các giá hầu đồng tại đền Đông Cuông, nhân dân khắp mọi miền luôn dâng lên Mẫu những hoa thơm trái ngọt là sản vật của núi rừng như chuối, đu đủ, bưởi, táo, lê và không thiếu những món ăn bản địa như măng trúc, măng giang, xôi nếp, khoai mật…

Theo thời gian, đền Mẫu Đông Cuông không chỉ là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn mà còn là nơi hương hỏa và ghi ơn công đức của các vị thủ lĩnh lỗi lạc có công đánh giặc bảo vệ bờ cõi như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... những thủ lĩnh người dân tộc thiểu số có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Lắng đọng nhất khi đến đền Đông Cuông là tín ngưỡng hầu đồng. Ngồi chiêm ngưỡng những giá đồng tại đền và lắng nghe giai điệu của những bài chầu văn, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, ca ngợi công đức và sự linh thiêng của Mẫu, cầu mong Mẫu ban tài, ban lộc cho muôn dân: “Đông Cuông sơn thuỷ hữu tình/Chúa thường trắc giáng hiện hình bách ban/Danh tiên chúa trên ngàn lừng lẫy/Hoá phép màu đã dậy thần linh” (Trích Hát văn Chúa Đông Cuông). Âm thanh của giai điệu chầu văn ở đền Đông Cuông có sức lan tỏa kỳ diệu, không chỉ lắng đọng trong tâm hồn con người mà còn vang vọng vào sông nước, núi non, lay động cỏ cây, chim muông nơi sơn ngàn. Chính điều đó đã tạo nên một không gian diễn xướng đặc biệt của hầu đồng và chầu văn. 

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.