Multimedia Đọc Báo in

Khám phá "Tiểu Hạ Long phương Nam"

15:02, 22/07/2017

Biển Tây là tên gọi vùng biển của các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang nằm trong khu vực vịnh Thái Lan. Biển Tây có trên hàng trăm đảo và quần đảo nhỏ rải rác từ Bắc vĩ tuyến 7 đến Nam vĩ tuyến 10.

Trong đó, khu vực biển Hà Tiên (Kiên Giang) được giới du lịch phong tặng danh hiệu là “Tiểu Hạ Long phương Nam”.

Đến Kiên Giang, sau khi tham quan những thắng cảnh nổi tiếng trên đất liền như lăng Mạc Cửu, Mũi Nai, Thạch Động, núi Đá Dụng…, du khách hãy đi theo Quốc lộ 80 đến Ngã Ba Hòn cách Hà Tiên chừng 25 km, lên tàu khách ra Hòn Nghệ để bắt đầu cuộc hải hành khám phá “Tiểu Hạ Long phương Nam”.

Tàu cưỡi sóng, lướt về phía biển khơi có những hòn đảo mờ xa khiến du khách ngỡ ngàng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Quả thực là một “tiểu Hạ Long” của biển phương Nam! Tàu đi giữa vịnh biển mênh mông, bát  ngát màu xanh lơ với muôn trùng lượn sóng biển đùa đuổi nhau tung bọt trắng xóa. Bên trái là dải đất Bình An nơi có Hòn Phụ Tử nổi tiếng, với núi non chập chùng và nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Có đảo trông giống như những lâu đài đá sừng sững trong truyện cổ tích của Andecxen; có hòn như con rùa đá khổng lồ nổi trên mặt biển; lại có dải núi  giống như con voi đang vục vòi uống nước. Bên phải, phía không xa là quần đảo Bà Lụa cây cối xanh tốt hoang sơ, thấp thoáng một vài ngôi nhà dưới bóng dừa xanh.

Một góc biển Bà Lụa.
Một góc biển Bà Lụa.

Đến Hòn Nghệ, lên cảng nghỉ ngơi chừng mươi phút, du khách hãy lên chùa Liên Tôn lễ Phật và nghỉ ngơi, ăn cơm chay miễn phí. Liên Tôn Cổ tự đã có từ rất lâu đời, nằm cheo leo dựa lưng vào vách núi. Bạn phải đi qua hàng trăm bậc đá ngoằn ngoèo, quanh co, lúc lên cao, khi xuống thấp. Lúc đến gần chùa, bạn sẽ gặp bên trái vách núi một quần thể tượng Thập Bát La Hán bằng đá trắng được tạc đẽo, tạo dáng rất công phu, tỉ mỉ và thanh thoát. Chánh điện chùa cổ nằm sâu trong hang đá chừng 20 m, phải đi theo một lối mòn hẹp mới đến được nơi thờ Phật. Quanh vách động có nhiều hình tượng lạ lùng do nước soi vào đá tạo nên như  rồng, voi, sư tử, beo, cọp... Trên nóc động có những lỗ thông gió, ánh sáng rọi xuống hang tạo thành những vệt sáng xiên xiên mờ ảo...

Đêm trên chùa cổ Liên Tôn sẽ cho bạn nhiều ấn tượng khó quên. Vào những ngày có trăng từ mùng 10 đến sau rằm, cảnh vật núi Lầu Chuông và biển Hòn Nghệ đẹp như chốn non Bồng, nước Nhược. Biển sáng lấp lánh với muôn vàn vẩy bạc ánh lên từ những ngọn sóng có khi lăn tăn, yên ắng, cũng có lúc trắng xóa, bạc đầu. Chùa cổ trầm tư trong làn sương mỏng huyền hoặc, thâm u. Du khách mơ màng trong tiếng trống mõ, chuông chùa hòa với tiếng sóng biển vỗ xạc xào vào những ghềnh đá hoang sơ... Hòn Nghệ còn có một số hang động như hang Phật Cô Đơn, điện Sư Tổ Đạt Ma, hang Quýt, hang Gia Long với những truyền thuyết và huyền thoại bí ẩn, lạ lùng và hấp dẫn!

Sau một đêm chìm trong giấc ngủ ngon, du khách dậy sớm đi bộ vượt qua Dốc Chùa hướng về vịnh Bãi Nam của đảo Hòn Nghệ. Rạng đông trên biển Kiên Lương với sắc hồng tươi đỏ phía chân trời. Bến Hòn Nghệ nhộn nhịp tàu ghe. Bạn hãy thuê tàu của ngư dân để tiếp tục cuộc hành trình khám phá quần đảo Bà Lụa.               

Theo các tư liệu, quần đảo Bà Lụa còn có tên là quần đảo Bình Trị, gồm khoảng 45 đảo lớn nhỏ ngoài khơi thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang), ở vị trí cách mũi Hòn Chông – Bình An  khoảng 7 km về phía tây, cách Ngã Ba Hòn 15 km về hướng Đông.

Trong số trên 40 đảo của quần đảo Bà Lụa chỉ có 10 đảo là có cư dân sinh sống. Những hòn đảo do dân bản địa đặt tên  tùy theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết, giai thoại  như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Ba Hòn Lò, Hòn Nhum Ông, Hòn Nhum Bà, Hòn Rể Lớn, Hòn Rể Nhỏ, Hòn Đồi Mồi, Hòn Dừa, Hòn Ba Vồ, Hòn Thơm, Hòn Đá Bạc...

Tàu ghé đảo Hòn Nhum, du khách lên bờ khám phá cuộc sống của ngư dân nơi đây. Đảo chỉ có 8 hộ dân ngụ cư, đều là bà con, anh em với nhau. Nhà của người dân cũng khá khang trang: nhà gạch xây, mặt tiền ngóng ra biển, lưng dựa vách núi, cột bê tông đúc, lót gạch hoa - không thua nhà cửa của bà con ở những làng quê trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nào trên đảo cũng có ghe cào, ti-vi màu, máy phát điện cá nhân, chỉ trừ xe máy! Ở các đảo lớn như Hòn Nghệ, Hòn Heo mới có đường bộ cho xe nhưng cũng không dài quá 10 km...

Đặng Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.