Mọc hấp: Món ngon xứ Quảng
Trong các đám giỗ, cúng đất, chạp mả, cúng tất niên cuối năm, ngày tết…, mọc hấp là món ăn đặc biệt hấp dẫn, không thể thiếu của người dân vùng đất Quảng Nam, trước cúng ông bà, tổ tiên, sau là con cháu thưởng thức. Ngày thơ bé, những lần tôi được ngoại dẫn đi ăn cỗ, món được người lớn gắp vào chén đầu tiên bao giờ cũng là món mọc hấp.
Thời tôi nhỏ, cứ mỗi lần có đám, ngoại luôn “đảm nhiệm” làm món mọc hấp bởi chẳng có ai trong gia đình làm món mọc ngon như ngoại. Thế là tôi lại có dịp được học ngoại cách làm món mọc. Ngoại thường dùng thịt heo nạc và mề gà, vịt xắt thành lát mỏng rồi băm trên thớt thật nhuyễn để riêng. Sau đó, ngoại lấy bún tàu cắt từng khúc ngâm nước cho sợi bún mềm ra rồi băm thật nhỏ cùng với nấm mèo, hành tím, riềng, tỏi. Các loại rau gia vị như hành, ngò, lá gừng, lá nghệ, lá hẹ cũng được ngoại xắt thật nhỏ, trộn thêm một ít tiêu bột, muối, mì chính, ít nước mắm loại ngon. Ngoại trộn chung các “hỗn hợp” nói trên với trứng gà hoặc vịt sống và quậy thật đều rồi dùng lá chuối đã được hơ dịu, đặt trên bát và thoa sơ qua một lượt dầu phộng đã phi chín, dùng muỗng xúc hỗn hợp trên đổ vào lá vừa đủ, rải ít đậu phộng rang đã tách đôi lên bề mặt rồi túm lá chuối và buộc lại bằng sợi của bẹ chuối khô. Gói mọc xong, ngoại cho vào nồi hấp cách thuỷ chừng 30 phút là chín.
Cụ bà xứ Quảng đang hấp mọc. |
Gói mọc chín tỏa ra mùi thơm hấp dẫn mà ít có món ăn nào sánh kịp. Vị ngọt của thịt hòa quyện với mùi rau thơm, trứng, đậu phộng rang, vị dẻo của bún tàu, giòn tan sựt sựt của mộc nhĩ… thật khoái khẩu, nhớ đời.
Trước đây, trong các đám giỗ kỵ, món mọc hấp truyền thống thường xuất hiện trên bàn cỗ và được người sành ăn thưởng thức đầu tiên với bánh tráng nướng giòn xứ Quảng và ly rượu gạo thơm nồng. Còn ngày nay, món mọc ít thấy xuất hiện trên các mâm cơm cúng ông bà trong những ngày giỗ kỵ, hoặc tiệc tùng chiêu đãi bởi lẽ làm món này lắm công phu, tỉ mẩn và ít người biết làm.
Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc