Thăm đền thờ Chúa Bầu vùng Tây Bắc
Ngược Quốc lộ 70, dừng chân nơi thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai), đền Phúc Khánh trong quần thể di tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang là điểm đến tâm linh của du khách thập phương về miền Tây Bắc. Ngôi đền từ lâu là nơi hương hỏa, phụng thờ Chúa Bầu, những vị tướng có công với đất nước nơi biên ải Tây Bắc.
Đền thờ Chúa Bầu tọa lạc trên đỉnh đồi Tấp, hướng nhìn ra dòng sông Chảy hiền hòa, thơ mộng, xa xa là những triền núi trập trùng, nhấp nhô như gợi lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Bước chân vào ngôi đền, lần theo dấu xưa còn in trên những dòng chữ cổ, du khách như được ngược dòng thời gian để nghe kể về chiến công của Chúa Bầu vang lừng cả vùng Tây Bắc một thuở.
Từ ngàn xưa, nhân dân quanh vùng vẫn gọi hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật với cái tên gần gũi đầy tôn kính là “Chúa Bầu”. Lịch sử chép rằng, đầu thế kỷ 16, hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật quê ở xã Đông Ba, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương lánh nạn nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc. Chúa Bầu đến thị sát vùng Nghĩa Đô để lập tuyến phòng thủ từ xa. Chúa đã cử tướng Phạm Tăng Tấn chỉ huy xây thành trên đèo Khau A, dài gần 2 km, thành cao, vững chắc, tiến thủ đều cơ động, lấy hang động ở chân quả núi nhọn phía đông làm đài chỉ huy. Người đương thời gọi núi đó là núi tướng Tấn. Nhân dân quanh vùng cung cấp lương thảo, tham gia xây dựng thành nhà Bầu, nhường đất cho chủ lính đóng quân, lập trại lính.
Đền thờ Chúa Bầu tọa lạc trên đồi Tấp. |
Vùng Bảo Yên khi ấy là vùng đất rộng, núi non hiểm trở, có lúc quân đông hàng nghìn người. Thời kỳ ấy vùng này sầm uất lắm, chợ mở ở nhiều nơi, các khe suối đều đắp đập giữ nước để khai khẩn đất đai cày cấy lương thực nuôi quân. Các lò gốm cũng được mở ở nhiều nơi. Sách “Đại Nam nhất thống chí” còn ghi: “Chúa Bầu cây cối xanh tốt, những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”. Công lao của Chúa Bầu được ghi chép trong lịch sử và được nhân dân khắp các vùng khu vực Tây Bắc - Đông Bắc Bộ, gồm Hà Giang và Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai ca tụng, ghi ơn lập đền thờ. Đền Phúc Khánh trong quần thể Thành cổ Nghị Lang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2001. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng giêng, lễ hội Đền Phúc Khánh được tổ chức trang trọng với những nghi lễ và hoạt động văn hóa đặc sắc.
Đến chiêm bái đền thờ Chúa Bầu, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng các di vật được khai quật liên quan đến thành cổ Nghị Lang và chiến công của Chúa Bầu như rùa đá, dao, kiếm, bát đĩa, chum vại, gốm, sứ… cùng những câu chuyện tâm linh nói về sự linh thiêng của Chúa Bầu. Hành hương về đền thờ Chúa Bầu, du khách còn được hòa vào một không gian văn hóa đậm sắc màu vùng cao. Đứng trên đỉnh đồi Tấp, nơi ngôi đền tọa lạc, nhìn bốn phía là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và khung cảnh làng mạc trù phú. Những sắc màu văn hóa như Mông, Tày, Dao hội tụ ở mảnh đất này tạo nên một bức tranh đa sắc màu.
Từ Phố Ràng, dọc theo Quốc lộ 279, du khách sẽ có một cuộc hành trình đầy thú vị và hấp dẫn khám phá văn hoá bản làng của người Tày đậm sắc màu Tây Bắc. Dọc đường, cảnh sắc núi rừng với hoa ban trắng hồng, hoa chuối đỏ tươi hoà vào màu xanh ngắt của cây rừng cùng tiếng chảy róc rách của những con suối như làm tan đi bao nỗi mệt nhọc.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc