Gìn giữ lời khan
Đây là lớp học do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND huyện Cư M’gar tổ chức với mong muốn góp phần gìn giữ, lưu truyền và đào tạo thế hệ kế cận để tiếp nối mạch nguồn sử thi Êđê.
Anh Y Thok Niê, cán bộ văn hóa xã, cũng là học viên của lớp học cho hay: Xã Ea Tul có 98% dân số là người Êđê, nơi đây là cái nôi văn hóa Êđê (nhóm Adham), xứ sở của trường ca Đam San với tảng đá lưu dấu chân Đăm Di tại bến nước buôn Sah... Chính vì vậy những học viên của lớp học này – đã qua sự tuyển chọn mới được tham gia học nên đều rất trân trọng, yêu quý lời khan của ông bà truyền lại.
Vì sự trân quý này, mặc cho mưa gió, đi lại khó khăn, kinh phí hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn các học viên vẫn đến lớp đều đặn để trong thời gian ngắn có thể tiếp thu, học thuộc được những lời khan, cách diễn xướng do các nghệ nhân truyền dạy. Các bài khan Đăm Di, Đăm Bhu, Jũ Nhiăm Hõng H’Bia Phiơr, Cô nàng H’Bia Pliêu, Y Bhu Klông, Y Dhu Alah... cứ ngân nga, vang lên qua lời kể của nghệ nhân, còn học viên vừa nghe, vừa thu âm, lẩm nhẩm hát theo. Cách truyền dạy – học tập không giáo trình, sách vở mà học trực tiếp những kỹ năng lối kể, âm điệu, luyến láy, chất giọng thấp cao theo từng câu, từng chữ... Đoạn nào học viên hát kể chưa chuẩn, nghệ nhân lại hướng dẫn, chỉnh sửa tận tình.
Học viên và nghệ nhân kể khan. |
“Là người quản lý lớp học, tôi thấy mọi người rất tích cực, tâm huyết, nghiêm túc lắng nghe sự chỉ bảo của nghệ nhân giảng dạy. Không chỉ vậy các học viên còn thường xuyên giao lưu với các nghệ nhân lớn tuổi khác để làm quen với kể khan, kết hợp với nhạc cụ truyền thống, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước...”, chị H’Ngheh Ayun – học viên lớp học chia sẻ.
Ngoài học trên lớp, tham gia các hoạt động ngoại khóa, từng học viên còn tranh thủ thời gian tự luyện tập ở nhà. Với lứa tuổi khá lớn (người trẻ nhất sinh năm 1984, người lớn tuổi nhất sinh năm 1968) thì việc học thuộc lòng các bài khan không dễ dàng, thêm vào đó, do không có máy ghi âm chuyên dụng, phải sử dụng điện thoại để thu nên âm thanh có đôi chỗ không rõ... nhưng với niềm đam mê, yêu quý những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc mình, các học viên đều nỗ lực vượt qua trở ngại hoàn thành tốt khóa học.
Tại buổi bế giảng lớp truyền dạy sử thi, kể khan Êđê mới đây, lắng nghe các học viên và nghệ nhân trình diễn, nhìn từng gương mặt, ánh mắt ngời sáng, thể hiện sinh động các câu chuyện kể mới cảm nhận được sự tâm huyết và thành quả đạt được của lớp học đặc biệt này sau hơn 3 tháng tổ chức. Những ca từ được gieo vần điệu, lúc trầm, lúc bổng, xen lẫn với tiếng sáo đing puôt dìu dặt, thiết tha, kết hợp với cử chỉ, điệu bộ của người kể khiến người nghe cứ bị cuốn hút. Dẫu có đôi chỗ vẫn còn hơi chút gượng gạo, vài lời còn hát nhịu... nhưng cả người nghe lẫn người biểu diễn đều phấn khởi bởi thành quả có được.
Sau khóa học này những gương mặt thân thuộc như: Y Xếp Niê, Y Si Na Êban, Y Bar Hđơk, H’Djuôn Niê, Y Thok Niê, H’Ngheh Ayun, H’Nhe Niê, Y Bui Niê sẽ tiếp tục “giữ lửa” và nhen nhóm thêm những “đốm lửa” khác để sử thi không bị mai một, từng bước đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng buôn làng như lời của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phát biểu tại lễ bế giảng: “Tây Nguyên còn lại rất ít nghệ nhân biết hát sử thi, do vậy đây là những viên ngọc – tuy vẫn còn thô mộc, chưa được mài dũa nhưng cũng đủ để tạo sức lan tỏa, gìn giữ, bảo tồn và từ đó vực dậy sức sống cho sử thi nói chung, kể khan Êđê nói riêng...”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc