Đặc sắc lễ hội Thanh Minh của người Nùng An
Cứ đến tiết Thanh Minh, người Nùng An (ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) lại tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Khi di cư vào vùng đất mới Tây Nguyên, người Nùng An ở xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) vẫn tiếp tục lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đó như một cách để nhớ về nguồn cội.
Lễ hội Thanh Minh hay còn gọi hội Sinh Mình có nghĩa là “trong sáng” thường được tổ chức vào khoảng tháng 2 hoặc 3 âm lịch ở chợ Cư Amung trong 3 ngày với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Lễ hội Thanh Minh ở xã Cư Amung vẫn theo tục lệ xưa là chia làm hai phần lễ và hội. Trong phần lễ, một mâm cỗ thịnh soạn được bày ra với xôi 3 màu, heo quay, gà, hoa quả, rượu, vàng mã… Người Nùng quan niệm, đây là tấm lòng thành kính của họ, trước thì để tưởng nhớ, tỏ lòng cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho họ một năm vừa qua, sau cầu cho mùa tiếp theo được sung túc, lứa đôi hạnh phúc. Phần tế lễ được giao cho một người uy tín nhất trong làng thực hiện.
Điệu đàn tính, hát then cất lên trong lễ hội. |
Vào những ngày đầu năm mới, phần hội có lẽ được nhiều người mong đợi nhất với những cuộc thi tài, vui chơi sôi nổi. Già, trẻ, trai, gái đều xúng xính trong trang phục dân tộc Nùng với ánh mắt tươi vui rạng rỡ. Những trò chơi dân gian độc đáo xuất hiện trong lễ hội như lẩy cỏ, tung còn, cà kheo, đi gậy… mang đến sự thích thú cho người xem. Trong đó đặc sắc phải kể đến trò lảy cỏ. “Nhì tảu, nhì tiểm”, “xế tài xế, xế tua”… từng nhóm chơi lảy cỏ hào hứng đoán số bằng các cụm từ theo ngôn ngữ người Nùng. Xung quanh, người xem say sưa cổ vũ tạo nên một không khí đầu xuân náo nhiệt. Lảy cỏ có luật chơi khá đơn giản, giống trò oẳn tù tì nhưng kết hợp cả tay và miệng. Ai thua thì bị phạt uống rượu nên người chơi lúc nào cũng có chất men.
Hòa trong khung cảnh sôi nổi của lễ hội là những câu hát giao duyên của các đôi nam nữ. Những giai điệu tình yêu mộc mạc nhưng cháy bỏng như dòng mật ngọt luồn lách vào trái tim người trẩy hội. “Hoa guột nở bên đường xanh biếc/ Ta đây định vài lời chào trước/ Chẳng biết bạn có đáp lời hay không/ Hay bạn muốn để ta phải chào suông...” Những điệu hát lượn làm quen mượt mà, đằm thắm ấy hòa trong khung cảnh xuân sang khiến lòng người thêm đắm say, rạo rực. Và giữa mây ngàn, gió núi đó, có những đôi tình nhân đã nên duyên vợ chồng.
Gian hàng thổ cẩm tại lễ hội Thanh Minh. |
Trẩy hội Thanh Minh thì không thể quên thưởng thức món ăn truyền thống độc đáo của người Nùng An, đó là xôi 3 màu và heo quay. Xôi 3 màu thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng để làm đúng vị, đúng màu thì không phải ai cũng làm được. Nếp nấu xôi phải là hạt to tròn, đều nhau đem ngâm cùng 3 loại lá chỉ có ở núi rừng và phải lấy lá non đúng dịp xuân về để tạo 3 màu đen, vàng, tím. Một người đồ xôi khéo tay sẽ tạo nên dĩa xôi đẹp mắt, ngon miệng, thể hiện cho cuộc sống no ấm, thịnh vượng trong năm mới. Đĩa heo quay thơm lừng cũng hấp dẫn thực khách không kém. Những lò than hồng đượm với những con lợn quay vàng ươm nhồi lá mắc mật tỏa ra mùi thơm ngất ngây níu chân thực khách .
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Amung cho hay, xã có hơn 940 hộ, trong đó trên 50% là người Nùng An. Lễ hội diễn ra ngày càng hấp dẫn, quy mô với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi giao lưu văn hóa và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Mỗi năm lễ hội thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia, không chỉ riêng xã Cư Amung mà còn có các xã Ea Wy, Ea Khal, Ea Tir, Cư Mốt và người Nùng An ở huyện Krông Năng, Ea Kar.
Dù đã gần 40 năm lập nghiệp ở Tây Nguyên nhưng người Nùng An vẫn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, để nó tiếp tục “sống” và “khoe sắc” trên vùng đất mới.
Cội nguồn lễ hội Sinh Mình Lễ hội Sinh Mình gắn với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn của một đôi trai gái người Nùng An. Người xưa kể lại rằng: Đôi trai gái ấy ở xã Phúc Sen, yêu nhau say đắm nhưng không đi đến được bến bờ hạnh phúc vì bị các hủ tục lạc hậu lúc bấy giờ ngăn cấm. Để được ở bên nhau mãi mãi, họ đã cùng nhảy xuống giếng nước tự vẫn. Mối tình chung thủy, sắt son của chàng trai, cô gái ấy đã khiến dân làng thương cảm. Từ đó hằng năm, cứ vào tiết Thanh Minh, người dân xã Phúc Sen lại tổ chức mâm lễ thịnh soạn cúng tế tại ngôi đền đầu làng. Và sau phần lễ, mọi người nô nức trẩy hội tạo điều kiện cho nam thanh nữ tú từ khắp các vùng gặp nhau hẹn ước, đâm chồi nảy lộc những mối tình đẹp. |
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc