Multimedia Đọc Báo in

Muôn mặt lễ hội

16:57, 11/02/2018
Mùa xuân là mùa lễ hội diễn ra ở hầu khắp trên địa bàn cả nước. Tỉnh, thành nào cũng có kế hoạch triển khai, quản lý nếp thực hành văn hóa quan trọng và có ý nghĩa này của các cộng đồng dân tộc.
 
Tuy vậy, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy hoạt động lễ hội ở nhiều nơi, nhiều lúc diễn ra không đúng với tinh thần dân gian vốn có. Nói không quá rằng, có một số (thậm chí khá nhiều) lễ hội đã bị lợi dụng để phục vụ mục đích thương mại, khiến cộng đồng sở hữu vốn văn hóa ấy, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước phải “đau đầu” tìm biện pháp khắc phục.

Với Đắk Lắk thì mùa lễ hội năm nay đã được ngành VH-TT-DL quán triệt đến các địa phương – nơi có lễ diễn ra bằng cách bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan chức năng; kịch bản của từng lễ hội phải được ngành văn hóa thẩm định và thông qua; đặc biệt là việc huy động nguồn lực cùng sự đồng thuận của cộng đồng để chức lễ hội… Động thái này xem ra rất bài bản và đáng hoan nghênh. Song, nói như ông Y Kô Niê, Phó Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TTDL) rằng: Không vì thế mà không còn đó nỗi lo, nhất là ở các địa bàn có hoạt động du lịch phát triển như TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Lắk… thì lễ hội dễ biến thành “thực đơn du lịch” phục vụ cho du khách (thay vì cộng đồng), do các “ông bầu” đứng ra dàn dựng và đạo diễn. 

Biểu diễn đàn T'rưng trong Ngày hội Văn hóa dân gian Tây Nguyên.  Ảnh: H. Gia
Biểu diễn đàn T'rưng trong Ngày hội Văn hóa dân gian Tây Nguyên. Ảnh: H. Gia

Dẫn chứng như Hội voi Buôn Đôn được tổ chức định kỳ 2 năm/lần theo kịch bản: Tập hợp các chủ sở hữu đàn voi nhà lại để diễu hành, cúng sức khỏe, sau đó đua voi trên cạn lẫn dưới sông… nhằm thỏa mãn nhu cầu của người xem. Còn chiều sâu của lễ hội – là nơi tinh thần, ý thức của cộng đồng cần được tuyên bố và bày tỏ thì không được chú trọng, thậm chí bỏ qua. Điều đó dẫn đến tình trạng làm méo mó lễ hội và cộng đồng sở hữu nó trở thành người “dự khán”, mất hết “tính thiêng” đáng lẽ phải được tôn trọng, bồi đắp và phát huy vì mục tiêu trên hết là cố kết sức mạnh của cộng đồng.    

Hoặc như Lễ hội Cồng chiêng, hiện đang bị “người ngoài cuộc” khai thác, thậm chí là “bóc lột” quá mức vì mục đích thương mại tại các điểm du lịch trong dịp Tết. Ông Y Kô Niê phản ánh, hiện nay không ít người xem Lễ hội Văn hóa cồng chiêng với tư cách là sản phẩm du lịch thuần túy, nên khi tổ chức (khai thác) thì trước sau vẫn là hình thức, hiệu quả âm nhạc mang lại mà thôi, chứ chưa và có lẽ không bao giờ hiểu đúng vốn di sản này một cách đầy đủ các giá trị tạo nên phức hệ văn hóa toàn vẹn của nó: là môi trường diễn xướng, nghệ thuật trình tấu, vũ điệu, trang phục và đặc biệt là tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng cổ xưa chứa đựng trong đó.

Xem ra nỗi lo ấy không phải là không có cơ sở, bởi lễ hội diễn ra trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, đâu phải đều thuận theo ý nguyện tự thân của cộng đồng. Nó cũng đã và đang bị chi phối, dẫn dắt theo chiều hướng tốt, xấu lẫn lộn rất khó kiểm soát trong đời sống ngày nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.