Multimedia Đọc Báo in

Quyến rũ thác Giang Điền

10:27, 25/02/2018
Từ TP. Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 1A đi về phía Bắc chừng 45 km, du khách sẽ đến địa phận xã Giang Điền, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), nơi có thác Giang Điền hùng vĩ nước đổ suốt bốn mùa. 
 
Thác Giang Điền nằm giữa thung lũng khá rộng, đất đai phì nhiêu với những cánh đồng bạt ngàn ngô, lúa, sắn. Thác Giang Điền là tên gọi chung, gồm ba dòng thác: thác Chàng, thác Nàng (còn gọi là thác Đôi) và thác chính Giang Điền. Theo các già làng người dân tộc Mạ trong vùng kể lại, thời xa xưa, có đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau nên đã trầm mình xuống dòng suối, nước mắt họ chảy xuống biến thành hai dòng thác Chàng và Nàng. Hai dòng thác này sau khi chia dòng chảy chừng 500 m, cuối cùng hợp lưu lại thành thác lớn Giang Điền.
 
Ngày nay, thác Giang Điền đã được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái với nhiều dịch vụ phục vụ du khách. Dạo chơi dọc theo bờ thác, du khách sẽ gặp rất nhiều những tảng đá lớn, nhỏ chồng chất lên nhau, ngổn ngang giữa dòng suối như một đàn voi đang đùa giỡn trong làn nước trắng bạc.  Cây cầu treo có tên Mimosa đưa du khách từ khu thác chính sang khu vực thác Đôi nổi bật lên giữa những trảng cỏ, vườn hoa với đủ sắc màu tạo nên khung cảnh nên thơ, quyến rũ làm say đắm lòng người. Dưới ngọn thác chính là một bãi tắm khá rộng và dài, du khách tha hồ bơi lội, đùa giỡn. Nơi sâu nhất ở đây không quá 1,5 m. Sau khi tắm xong, du khách có thể thuê một chiếc lều dựng ven dòng suối dưới bóng cây, thưởng thức món cá suối nướng, bê thui tái chanh, canh chua lá giang rừng... giữa khung cảnh hoang sơ, thơ mộng với  không khí mát mẻ, trong lành.
 
Thác Đôi trước khi hợp lưu lại thành thác lớn Giang Điền.
Thác Đôi trước khi hợp lưu lại thành thác lớn Giang Điền.
Có một con đường đất quanh co men theo triền suối đưa du khách với một trang trại có tên Kỳ Cục. Ở  đây, du khách sẽ thích thú khi nhìn thấy những sinh vật  khá “kỳ cục” như: kỳ nhông, cắc ké, chàng hiu, cóc tía, nhái bầu, thằn lằn núi, rắn mối, bọ cạp núi... Thỉnh thoảng du khách còn được nghe tiếng chim cu ngói gáy, gù đồng vọng từ những khu rừng gần đấy!
 
Trong khu du lịch còn có một ao vuông rộng 2 ha  thả nhiều loại cá, phục vụ cho những du khách thích câu cá. Gần trang trại Kỳ Cục, du khách sẽ gặp một vườn lan cảnh và rừng cây kiểng với nhiều chủng loại. Dọc theo những con đường trong khu du lịch là những lẵng hoa xinh xắn với các loài hoa như: mimosa, hoàng anh, dạ thảo, mười giờ, soi nhái, ban đỏ, liễu đỏ, hoàng hậu... Những nhà hàng, khu resort, lán trại được xây dựng theo lối kiến trúc nhà ở của dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra trong khu du lịch còn có  các quán bar, sân patin, tennis, cầu lông... Ở khu du lịch thác Giang Điền có đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hội nghị, hội thảo; cuối vườn, ở phía đông có khu nghiên cứu sinh vật bò sát dành cho các nhà khoa học và  sinh viên các trường đại học đến từ các nơi. 
 
Từ Giang Điền, du khách có thể tiếp tục đi tham quan các khu du lịch ở Đồng Nai như chùa Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, khu di tích chiến khu D, cù lao Phố... khá gần đấy hoặc có thể đi xa hơn nữa đến rừng cấm Nam Cát Tiên thuộc huyện Vĩnh Cửu độ chừng 110 km.
 
Đặng Hoàng Thám

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.