Thăm làng nuôi cá chép cúng ông Công ông Táo trên Đất Tổ
Từ lâu, làng Thủy Trầm thuộc xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ) nổi tiếng khắp cả nước với nghề nuôi cá chép đỏ, phục vụ cho một tín ngưỡng tâm linh của người Việt là cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Về Thủy Trầm những ngày cuối năm, sắc đỏ từ những chiếc ao làng càng tô đậm nét đẹp vùng quê này…
Làng Thủy Trầm nằm nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa, nơi có địa hình bằng phẳng với những cánh đồng phì nhiêu và thẳng tắp. Không gian làng mạc nơi đây hữu tình và thơ mộng bởi phía trước làng là cánh đồng lúa, ở giữa là những xóm thôn quần tụ, phía sau là bờ đê và những đồi cọ trập trùng gợi lên vẻ đẹp của một làng quê trung du nơi vùng Đất Tổ. Từ nhiều năm nay, cư dân nơi đây đã chuyển đổi trồng lúa nước sang một nghề nuôi cá chép đỏ, loại cá chép phục vụ cúng ông Công, ông Táo.
Người dân làng Thủy Trầm đến nay vẫn không hiểu duyên cớ gì khiến họ gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ. Họ chỉ nhớ rằng nghề nuôi cá bắt đầu phát triển khi thị trường có nhu cầu, địa hình nơi đây lại thuận lợi cho việc đào ao, thả cá, nước ở sông Thao đổ về luôn dồi dào, phù sa luôn bồi tụ khá phù hợp cho loài cá chép đỏ sinh trưởng và phát triển tốt. Lúc đầu chỉ một hai hộ nuôi, dần dần lên tới vài chục rồi hàng trăm hộ nuôi và cung cấp cá chép đỏ ra thị trường gần xa.
Người dân bày bán cá chép đỏ tại chợ phiên. |
Theo quốc lộ 32C, dừng chân ở đầu xã Tuy Lộc cũng là bước vào không gian làng Thủy Trầm theo con đường nhỏ uốn lượn quanh cánh đồng, du khách đã thấy hình ảnh ao chuôm san sát nhau ở phía trước những ngôi nhà. Ao không quá rộng và quá sâu, được đào vuông vắn và đa số được xây bao quanh để tạo cho bờ được chắc chắn, nước lúc nào cũng đầy xăm xắp. Đó là ao nuôi cá chép đỏ, loại cá mà chỉ một năm mới thu hoạch một lần, trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 2-3 tuần. Vì đây là giống cá đặc biệt nên cư dân nơi đây rất cẩn thận từ các khâu nuôi thả, chăm sóc cho đến đánh bắt cá. Cá giống được thả ngay sau khi thu hoạch cá vào dịp 23 tháng Chạp và được nuôi, chăm sóc cho đến 23 tháng Chạp mùa sau. Người dân nơi đây không dùng cá chép đỏ làm thức ăn hằng ngày mà chỉ nuôi để phục vụ nhu cầu tâm linh. Trong quá trình nuôi, ao cá lúc nào cũng sạch sẽ, nước trong và chỉ thả bèo hoa dâu cho nước mát. Thức ăn cho cá là các loại bột gạo, ngô, khoai, sắn kèm theo các loại rau, lá trồng trong vườn nhà. Trong một ao, cá có đủ trọng lượng khác nhau, lớn có, nhỡ có, nhỏ có, tùy thuộc vào thị hiếu của khách hàng khi chọn cá về cúng.
Cứ chiều chiều, chủ ao cá lại mang thức ăn ra bờ ao ném cho cá ăn. Từng đàn cá tung tăng bơi đến gần bờ khiến cho cả mặt ao rực rỡ sắc đỏ. Khi thu hoạch, người dân thường dùng các loại lưới mỏng để bắt cá để tránh việc cá bị tróc vẩy, xước da sẽ không bán được. Vào những ngày trung tuần của tháng Chạp, không khí bắt cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm lại trở nên đông vui, nhộn nhịp. Nhà nhà bắt cá đi bán, nhiều thương lái ở khắp mọi miền khu vực phía Bắc về tận nơi đây thu mua cá với số lượng lớn. Theo họ, cá chép đỏ làng Thủy Trầm từ lâu là giống cá đẹp, khỏe nên được thị trường khá ưa chuộng.
Đến gần ngày cúng ông Công, ông Táo, người dân làng Thủy Trầm nô nức đi chợ bán cá chép đỏ. Sắc đỏ tươi của cá chép rực lên khắp làng quê trung du yên bình, dậy lên không khí đón xuân của người dân sau một năm lao động. Theo những cụ cao niên của làng thì người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết là để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình.Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người dân làng Thủy Trầm cũng chọn những chú cá chép đỏ, khỏe dâng cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong, những chú cá này được người dân thả về ao hồ làm giống cho mùa sau.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc