Nghệ thuật đấu chiêng của người Cor
Theo các vị cao niên dân tộc Cor ở huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) kể lại, người Cor xem tiếng cồng chiêng là một ký ức từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với tổ tiên.
Không thể tưởng tượng được trong đời sống của người Cor xưa mà không có chiêng. Nó là sinh hoạt, đồng thời cũng là tiếng lòng, là biểu hiện tâm tính rất thăng hoa, rất lãng mạn trong đời sống tinh thần của người Cor nơi đây.
Thuở xưa, khi người Cor tổ chức lễ ăn Tết mùa (Xa-a-ní), tết ngả rạ (Cazim), lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-piêu), cưới hỏi, trước khi vào lễ hội, già làng bao giờ cũng thực hiện một nghi thức lễ qua điệu chiêng adút và điệu chiêng pốt-ố báo và mời thần linh, tổ tiên, ông bà về chứng kiến lòng thành của dân làng cũng như báo hiệu cho làng xóm, bạn bè gần xa biết về không khí vui tươi, rộn ràng của ngày hội ở làng mình qua điệu chiêng tà moi mời khách.
Ngoài phần lễ, phần hội với điệu múa ka-đấu của phụ nữ và các trò chơi dân gian của đàn ông, thanh niên Cor như: múa kiếm, múa giáo cũng được thể hiện. Dịp này, cả làng mở hội đánh chiêng ăn mừng kéo dài nhiều ngày đêm, với các bài chiêng: chiêng chào khách; chiêng tiễn khách, chiêng hội và chiêng cúng thần linh. Mỗi bài chiêng có nhịp đánh khác nhau, âm điệu cũng khác nhau theo bài bản. Đây còn là dịp để cộng đồng người Cor giao lưu, học hỏi kết thân với nhau thông qua thi đấu chiêng của trai làng. Những trai làng cường tráng, khỏe mạnh nhất thường bắt cặp với nhau trổ tài đánh chiêng, hy vọng thông qua nghệ thuật đấu chiêng được dân làng tin tưởng giao phó gánh vác các công việc hệ trọng của làng. Có thanh niên Cor, nhờ tài đấu chiêng đã làm nhiều thiếu nữ trong làng phải lòng rồi có được người vợ xinh đẹp. Và với các thiếu nữ Cor, thông qua xem đấu chiêng, họ lại chọn cho mình một người đàn ông khỏe mạnh, bản lĩnh, tài năng và đức độ.
Trình diễn nghệ thuật đấu chiêng tại Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tháng 6-2017. |
Tụ tập chung quanh cuộc đấu chiêng là cộng đồng hò reo, cổ vũ; âm thanh của những chiếc lục lạc trên váy áo phụ nữ Cor cũng tạo nên một không khí vui nhộn, làm cho sinh hoạt văn hóa cổ truyền trở nên vui tươi hơn giữa chốn đại ngàn đầy thâm u, huyền bí. Bởi vậy, đấu chiêng còn được người Cor gọi là thi chếch, là một trong những tiết mục đặc sắc nhất, thể hiện sức mạnh của dân tộc Cor.
Nhạc cụ dùng trong lễ hội truyền thống của người Cor nói chung và trong đấu chiêng nói riêng gồm: chiêng (chếch/chéc) và trống (agor). Đó là loại chiêng bằng, không có núm và gồm hai chiêng có kích thước gần bằng nhau; trong đó, chiêng lớn gọi là pô chiêng, còn gọi là chiêng chồng (chếch kanâu/ chéc tók), chiêng nhỏ gọi là pi chiêng hay còn gọi là chiêng vợ (chếch kji/ chéc tứp). Theo người Cor, sự phân biệt này là theo cách đánh.
Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu mà các dân tộc khác trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên không có. |
Tham gia môn nghệ thuật đấu chiêng bao giờ cũng chỉ gồm ba người đàn ông. Một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng, người thứ ba tham gia đánh trống, đóng vai trò như trọng tài để giữ nhịp, kích thích cho hai bên thi đấu. Nội dung thi đấu được tiến hành theo trình tự đấu âm, kết hợp với động tác phô diễn hình thể của những người đàn ông Cor khỏe mạnh, dẻo dai. Người đấu chiêng có thể ngồi, đứng, di chuyển thoải mái. Cuộc đấu chiêng được mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống dẫn nhịp của trọng tài, liền sau đó người đánh chiêng trước (gọi là tok) luôn phải đánh chiêng theo nhịp trống, người đánh sau (gọi là tuk) cũng phải luôn đánh đáp trả với người đánh trước nhưng vẫn theo nhịp trống. Theo đó, thường chiêng chồng xướng trước, chiêng vợ họa sau. Chiêng vợ họa đồng thời lại xướng cho chiêng chồng họa, khi nhanh khi chậm. Khi đánh chiêng chồng, người đánh dùng dùi tre có dập trên đầu dùi và không bịt âm nên âm thanh vang ngân tự nhiên. Khi đánh chiêng vợ, người đánh dùng kỹ thuật bịt âm bằng tay mềm và kỹ thuật bịt âm ngắt tiếng, có âm sắc tương ứng với chiêng chồng.
Sinh hoạt cồng chiêng dưới mái nhà làng. |
Người Cor gọi nghệ thuật đấu chiêng này là môn đấu chiêng đối đáp hoặc đấu chiêng đôi. Dù tên gọi khác nhau nhưng quy tụ lại đây là một môn nghệ thuật với cách biểu diễn chiêng đã được người Cor từ xưa sáng tạo ra mang đậm nét dấu ấn tộc người. Hai người tham gia đấu chiêng thông qua những bài chiêng như: chiêng chào khách; chiêng tiễn khách, chiêng hội và chiêng cúng thần linh để đối đáp/hay chiêng đôi liên tục với nhau. Hai bên đứng đối diện nhau, tay đeo nâng chiêng, tay cầm dùi gõ, di chuyển theo nhịp chiêng, khi tiến, khi lùi, khi lắc mông, khi nghéo chân vào nhau. Theo truyền thống, đấu chiêng thường dùng nhịp chiêng nhanh, mạnh và dứt khoát. Âm điệu trong các cuộc đấu chiêng vang lên rất lớn để khiêu khích, thách đố đối phương cùng so tài cao thấp. Từ sự hòa quyện của chiêng vợ, chiêng chồng và trống, với sự phô diễn của hình thể của người thi đấu, mà người thưởng thức cảm thấy hưng phấn cao độ bởi sự tác động của thính giác và thị giác tràn đầy.
Trong mỗi trận đấu chiêng, người vỗ trống không chỉ có vai trò là trọng tài mà còn là chủ công dẫn dắt trận đấu chiêng qua nhịp của trống nhằm giúp người xem hiểu được tiếng chiêng bên nào hay hơn. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ để họ trổ tài diễn xuất hết mình. Bởi lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu, người diễn xướng vừa chơi nhạc cụ giỏi vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ. Cứ thế, trận đấu diễn ra sôi động, hấp dẫn cho đến khi người đánh trước hoặc người đánh sau bị lỗi không theo nhịp của trống hoặc người đánh thua sút về giai điệu thì thua.
Được biết, chiêng đối đáp/chiêng đôi của dân tộc Cor chẳng những được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở làng mà còn được dàn dựng, nâng cao để mang đi trình diễn trong các lễ hội giao lưu văn hóa ở huyện, tỉnh và cao hơn là tầm khu vực và quốc gia. Để bảo tồn và phát huy loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt này, hiện ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đang lập Hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc