Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống: Cần tôn trọng những giá trị vốn có
Thời gian qua, việc phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều lễ hội đã xảy ra những hiện tượng biến tướng, phản cảm.
Nhiều biến thể
Lễ hội Hảng Pồ được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phục dựng cách nay hơn 10 năm với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sinh sống tại xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ). Từ đó đến nay, chính quyền xã Ea Siên đã tổ chức hằng năm từ ngày 28 đến 30 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, trong phạm vi lễ hội, khâu tổ chức lại thiếu chặt chẽ, thiếu sự quản lý của ngành chức năng đã tạo nên sự xô bồ, nhiều người biến lễ hội thành nơi kinh doanh bất hợp pháp. Lễ hội đang dần bị biến tướng thành hội chợ: Trên sân khấu chính, thời lượng và số lượng các tiết mục văn nghệ văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng bị cắt xén để làm nơi tổ chức trò chơi lô tô; không gian trong khu vực trung tâm thì xuất hiện hàng loạt tụ điểm xóc đĩa, bầu cua tôm cá… để sát phạt nhau bằng tiền; phía bên đường đi dẫn vào khu vực lễ hội thì nhiều hàng quán giải khát lẫn các lò quay heo đầy dầu mỡ, khói bụi … tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, phản cảm.
Cửa hàng bán thịt ngay lối vào lễ hội Hảng Pồ, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. |
Tại lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc diễn ra trong ngày 14 và 15 tháng Giêng hằng năm ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) cũng bắt gặp những cảnh tương tự. Lễ hội bày trí hàng loạt các băng rôn, khẩu hiệu là những thứ không thuộc không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc xưa; một số tiết mục múa hát, điệu nhảy hiện đại cũng được thể hiện trên sân khấu; khi tham gia biểu diễn văn nghệ và thi các trò chơi dân gian, nhiều người lại không mang trang phục truyền thống; một số hàng quán giải khát “ăn theo” lễ hội lại có hiện tượng “chặt chém” khách bằng việc phụ thu chỗ ngồi... gây bức xúc dư luận.
Để các lễ hội bảo tồn được bản sắc văn hóa
Những năm qua, cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều biện pháp khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng trên dưới 100 lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, chủ yếu là do các địa phương tự khôi phục và duy trì. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm đã tiến hành phục dựng được từ 1-2 lễ hội truyền thống, sau đó bàn giao về cho các địa phương quản lý, phát huy.
Trò chơi ném phi tiêu nhận quà thường thấy trong các hội chợ cũng có mặt tại Lễ hội Văn hóa Việt Bắc, xã Ea Tam, huyện Krông Năng. |
Theo ông Y Chen Niê, Phó Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự phối hợp giữa ngành chức năng huyện và các địa phương nơi tổ chức lễ hội chưa chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung triển khai; thiếu sự giám sát, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước; kinh phí tổ chức lễ hội thường kêu gọi nguồn xã hội hóa nên ai đóng góp cũng có thể tham gia lễ hội; các tiết mục, trò chơi dân gian thường do người dân tự phát, tính chuyên nghiệp thấp, vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống và ý thức của họ lại chưa cao nên còn nhiều bất cập…
Ông Y Chen Niê cho hay, hằng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo ngành chức năng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và phân công các chuyên viên văn hóa phối hợp với các địa phương chuẩn bị kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của từng lễ hội. Việc phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống cần coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, tránh cào bằng đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán trong hoạt động và sinh hoạt lễ hội; đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng, miền...
Bán thịt trâu ngay trong khuôn viên Lễ hội Văn hóa Việt Bắc, xã Ea Tam, huyện Krông Năng. |
Trước thực tế đó, thiết nghĩ ngành Văn hóa cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại một cách tổng thể tất cả các lễ hội dân gian; nghiên cứu, phối hợp ban hành mô hình tổ chức, quản lý các lễ hội; chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý lễ hội. Bên cạnh đó là tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về lễ hội, nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm của người tham gia lễ hội…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc