Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Hát - Múa - Diễn tấu nhạc cụ của Công an tỉnh: Thêm yêu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân

08:16, 01/04/2018

Nhân kỷ niệm 70 năm Hồ Chủ tịch trao Sáu điều căn dặn cho Công an nhân dân, cũng là kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc, Công an tỉnh đã tổ chức Liên hoan Hát - Múa – Diễn tấu nhạc cụ lần thứ V-2018.

Ấn tượng trước tiên ở Liên hoan lần này là sự biểu dương lực lượng: có tới 42/47 đơn vị của toàn ngành đã đưa quân về tụ hội với 114 tiết mục. Có khi trên sân khấu xuất hiện gần 30 diễn viên biểu diễn cùng một lúc. Những giọng ca đằm thắm chín theo thời gian hàng chục năm qua của đơn vị An ninh ngoại tuyến, Krông Búk… vẫn có thể sánh ngang với những giọng hát trẻ trung của các chiến sĩ nam, nữ Công an TP. Buôn Ma Thuột, Phòng Công tác Đảng và quần chúng hay Cảnh sát Kinh tế… Tuy có thể non nớt về trình diễn nhưng toát lên hơi thở và vẻ đẹp cuộc sống mới.

Là ngày kỷ niệm của ngành nên ngoài các chủ đề về ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, nhiều đơn vị chọn cho mình đề tài người chiến sĩ công an dưới mọi thể loại đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca lẫn múa hát, ca kịch.  Điểm mới năm nay là với quy định chỉ 3-5 tiết mục, ba loại hình nghệ thuật nhưng nhiều chủ đề được chọn vẫn chuyển tải trọn vẹn, gắn với đúng nhiệm vụ của từng đơn vị. Như các chiến sĩ Phòng Hồ sơ với chủ đề mang tên “Ngược dòng lịch sử, hướng tới tương lai”; Cảnh sát giao thông với “Vì bình yên buôn làng”; An ninh dân tộc với “Gọi về sum họp”; Đoàn Công an M’Đrắk với “Những bước chân lặng lẽ”; Phòng Tổ chức cán bộ với  “Tự hào Tổ quốc tôi”; Phòng Công tác Đảng và quần chúng với “Theo chân Bác”; Phòng An ninh bảo vệ chính trị với “Hành trình Tổ quốc gọi tên mình”; Thanh tra với “Sáng mãi niềm tin”… Hình ảnh truyền thống những mất mát hy sinh của người chiến sĩ công an được tái hiện trong những “Nỗi đau còn lại”, “Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu”, “Những bước chân thầm lặng”, “Những bông hoa bất tử”... Quê hương, đất nước không chỉ lung linh trong câu hát, điệu múa khiến Trường Sa, Hoàng Sa xa xôi như gần lại, mà còn toát lên đặc trưng riêng của những miền đất thân thương, như các chương trình của Công an Buôn Hồ, An ninh văn hóa, An ninh dân tộc, Công an Buôn Ma Thuột thấm đẫm Tây Nguyên với những bài tấu chinh, tấu đàn đinh tút, điệu múa suang rộn ràng. Mọi miền quê tụ hội trong một miền quê với xúng xính Tây Bắc trong những điệu múa, câu hát Mông; cả người nông dân Kh’mer hồn nhiên tinh nghịch, lẫn câu hát then, kèn lá, đàn tính Tày đằm thắm… cũng theo nhau ùa về trên sàn diễn. Sự kết nối từng tiết mục cũng được chú trọng, dùng màn hình minh họa… tạo được sự hoàn hảo trong kết cấu chủ đề, như chương trình của đoàn Công an Ea Kar, Krông Ana, Hậu cần….

Tiết mục biểu diễn ấn tượng tại Liên hoan Hát - Múa - Diễn tấu nhạc cụ của Công an tỉnh.
Tiết mục biểu diễn ấn tượng tại Liên hoan Hát - Múa - Diễn tấu nhạc cụ của Công an tỉnh.

Mặc dù Liên hoan năm nay không xuất hiện những giọng hát đơn ca trẻ đột phá nhưng mảng hát múa của các song ca, tốp ca nam, nữ lại khá thành công bởi ngoài sự hoành tráng còn phô diễn hòa thanh các bè một cách nhuần nhuyễn như hợp ca của Công an Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Tham mưu, Cảnh sát Kinh tế...

Một số tốp ca, song và tam ca có sự hòa quyện về giọng, trình diễn điệu nghệ đến kinh ngạc, thậm chí gợi được cảm xúc sâu lắng tới tâm hồn, trái tim khán giả như trong các bài hát “Dấu chân phía trước”, “Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Nơi đảo xa”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Chiều đại ngàn”…

Áp đảo gần như toàn bộ Liên hoan với tất cả sự chu đáo về đạo cụ, phông màn, dàn dựng công phu, khổ công luyện tập là thể loại múa. Múa tiết mục, múa phụ họa, múa minh họa, hát múa, thậm chí không phải là múa như võ thuật,  múa đường phố, hình tượng, kịch múa – hát… được các diễn viên trình diễn hết mình, thể hiện đầy đủ được ý đồ của đạo diễn, dù là múa dân gian hay đương đại. Một số tiết mục múa tiêu biểu như “Đất thở” (Cảnh sát giao thông), “Hồn chiêng” (Phòng Cảnh sát Hành chính và quản lý trật tự xã hội) hay “Đi săn” (Buôn Hồ), “Vì nhân dân quên mình” (Ea Kar), “Lễ cúng bến nước” (TP. Buôn Ma Thuột)… Nếu không có những sơ suất của đạo diễn như chiến sĩ mặc cảnh phục nhưng đi chân đất hay mang giày múa trắng lốp; thay vì múa nghệ thuật lại là múa sinh hoạt tập thể cộng đồng, diễn viên bê đỡ, nhào lộn quá nhiều, đạo cụ kềnh càng phức tạp… thì mảng múa hoàn toàn thành công.

Ít ỏi nhất trong Liên hoan là thể loại tấu nhạc cụ. Dường như quá khó đối với nghệ thuật quần chúng nên các tiết mục độc tấu ghi ta, sáo trúc, piano… không mấy hiệu quả như mong muốn. Ngược lại, các dàn nhạc tre nứa lại thành công với âm nhạc dân gian Tây Nguyên, như tấu đàn đá san hô “H’Zen lên rẫy” (Cảnh sát giao thông), tấu ching đing arap m’ô “Chim Pro tok gọi mùa” (TP. Buôn Ma Thuột), “Sắc màu cao nguyên” (Phòng An ninh tôn giáo), tấu ching Jhô “Wăk wei” (Phòng An ninh văn hóa), Ching Pel và múa suang (Ea Súp),  tấu đinh tút “Lời tâm sự”, tấu đinh tăk tar “Chiều trong buôn” (Phòng An ninh dân tộc), “Bến nước Duor Kmăn” (Liên quân Tình báo và An ninh nghiệp vụ)…

Khép lại một mùa liên hoan nghệ thuật quần chúng của Công an tỉnh, vui mừng khi thấy những người lính ấy, mặc dù không

chuyên nhưng đã vươn dần tới tầm chuyên nghiệp, thấy nghệ thuật diễn xướng dân gian, dù cải tiến hay nguyên gốc, được chú trọng bảo tồn; thấy những người chiến sĩ công an mang trong tâm sáu lời dạy của Bác Hồ đã sống đúng với tôn chỉ  “Nhân bản, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.