Sách, báo điện tử - xu thế tất yếu
Nhiều người cho rằng, trong thời buổi công nghệ số ngày nay, chẳng cần phải đến thư viện, hay cửa hàng sách, báo để mua hoặc mượn một thứ gì đó về đọc. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy vi tính xách tay là có thể thỏa mãn nhu cầu đọc của mỗi người mọi lúc, mọi nơi.
Hãy khoan bàn đến sự hay – dở thế nào, mà nên quan sát trên thực tế để thấy rằng đó là sự chọn lựa có tính chất xu thế và ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Có nhiều ý kiến lý giải về điều này, trong đó phải thừa nhận rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều, càng phong phú và đa dạng của sách, báo điện tử đã làm thay đổi cách chọn lựa của mọi người khi tiếp cận với văn bản (đọc và học) để làm giàu tri thức cho mình.
Bạn đọc trẻ đến với Ngày sách 21-4 được tổ chức tại Thư viện tỉnh. |
Với tiện ích nhanh, gọn và chi phí rẻ, sách, báo điện tử trở nên hấp dẫn, thu hút người đọc nhiều hơn sách in ra trên giấy. Chính lợi thế vượt trội đó đã dần làm thay đổi tính chất, cấu trúc, chức năng cũng như sự tương tác của nó (sách, báo điện tử) với chủ thề (là người đọc) trong môi trường văn hóa đọc ngày nay. Có thể xem đó là một sự chuyển động, hay nói đúng hơn là xu thế phát triển của văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại.
Văn hóa đọc mà toàn xã hội đang nỗ lực quan tâm, thúc đẩy không hẳn là buộc phải tiếp cận với văn bản truyền thống (đọc trên giấy), mà còn được ghi nhận bằng hình thức tiếp cận và làm giàu tri thức từ sách, báo điện tử như bước phát triển tất yếu của đời sống. |
Ở góc nhìn này, không ít người bày tỏ sự đồng tình rằng, nếu như văn bản truyền thống được in trên giấy là một công trình ngôn ngữ với sự kết hợp chủ yếu giữa các yếu tố từ vựng và phi từ vựng (thể hiện qua các biện pháp tu từ, cú pháp và phong cách…) thì văn bản dưới hình thức điện tử vừa là công trình ngôn ngữ, vừa là phi ngôn ngữ (bởi trong đó nó có thể tạo ra cả âm thanh, hình ảnh, sự chuyển động linh hoạt và hiệu quả) giúp người đọc cảm nhận một cách đa chiều và sống động hơn. Vì thế, khi nói về “văn hóa đọc”, đừng nên mặc định chỉ có cách tiếp cận với văn bản truyền thống như đã nêu mới đúng nghĩa mà bỏ qua mọi sự tiếp cận khác, đặc biệt là đối với kỹ thuật hiện đại và công nghệ số. Nói cho cùng, đó cũng là yếu tố mới và tích cực góp phần mở rộng nội hàm, biên độ để dần định hình khái niệm văn hóa đọc ngày nay.
Tuy nhiên, phải thừa nhận văn hóa đọc là quá trình chọn lựa tự giác của mỗi người. Văn bản nào cũng được, không nhất thiết phải là truyền thống hay hiện đại, miễn là thông tin trong mỗi tác phẩm (sách, báo) đó phù hợp và mang lại giá trị thẩm mỹ cao, giúp người đọc mở rộng kiến thức, nâng cao nhận thức cho mình. Tất nhiên, để hướng tới điều đó, bạn đọc rất cần, thậm chí là có quyền yêu cầu những cơ quan, đơn vị quản lý in ấn, xuất bản phải tuyển chọn sách, báo có nội dung tốt, chất lượng cao. Riêng với lớp trẻ hiện nay – đối tượng chiếm đa số trong xã hội đang hướng đến “văn hóa đọc” thông qua “kênh” điện tử thì sự lựa chọn ấy càng phải được gia đình, nhà trường và cộng đồng hướng dẫn, điều chỉnh một cách khoa học, thường xuyên và có trách nhiệm nhằm dần hình thành thói quen đọc vì mục đích cao nhất là làm giàu thêm trí tuệ, tâm hồn cho mình.
Hiện nay, văn hóa đọc đang được xã hội cổ súy và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 lấy ngày 21-4 hằng năm làm Ngày sách Việt Nam để khuyến khích mọi người tìm đến với sách, báo. Ở đây cũng xin nhắc lại rằng, tinh thần “văn hóa đọc” mà toàn xã hội đang nỗ lực quan tâm, thúc đẩy không hẳn là buộc phải tiếp cận với văn bản truyền thống (đọc trên giấy), mà còn được ghi nhận bằng hình thức tiếp cận và làm giàu tri thức từ sách, báo điện tử như bước phát triển tất yếu của đời sống. Điều quan trọng là làm sao tạo ra được “sản phẩm sạch” để phục vụ bạn đọc mà thôi.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc