"Bà đồ" thư pháp
Tại Câu lạc bộ (CLB) thư pháp trẻ Đắk Lắk có hai thành viên nữ rất đặc biệt là chị Lê Thị Thanh Hải (sinh năm 1985) và chị Trương Thị Trang (sinh năm 1986), cả hai cùng ở TP. Buôn Ma Thuột.
Là giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật, chị Thanh Hải có nhiều cơ hội để tham gia các triển lãm về nghệ thuật. Năm 2016, tình cờ gặp chủ nhiệm CLB thư pháp trẻ Đắk Lắk, bị hấp dẫn bởi bộ môn nghệ thuật truyền thống, chị Hải tham gia CLB và bắt đầu “say” với thư pháp.
Chị Trương Thị Trang trong một lần đi tặng chữ. |
Nhờ có đam mê, nền tảng kiến thức mỹ thuật và sự kiên trì, học từng nét thô, chữ, câu, quy tắc viết chữ…, sau một tháng chị Hải đã có thể viết hoàn chỉnh một câu đối. “Tuy nét chữ chưa được mượt mà, nhưng niềm hạnh phúc khi tự mình hoàn thiện một tác phẩm thư pháp khiến tôi phấn chấn hơn, có thêm động lực để gắn bó với nghệ thuật này”, chị Hải cho hay.
Cũng là một giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật cấp tiểu học, nhưng chị Trương Thị Trang lại gắn bó với nghệ thuật viết thư pháp nhờ gặp “bà đồ” Thanh Hải tại lớp luyện chữ đẹp. Biết chị Hải có tài viết thư pháp, chị Trang đã tìm hiểu và “tầm sư” học chữ. Sau 4 tháng được chỉ dẫn và sinh hoạt tại CLB thư pháp trẻ Đắk Lắk, chị Trang đã có thể “múa bút” trên nhiều loại chất liệu khác nhau.
Từ hai người xa lạ, thư pháp đã gắn kết họ lại, trở thành những “bà đồ” với ước mơ lưu giữ và phát huy được nghệ thuật truyền thống này.
“Bắt đầu từ sở thích nhưng khổ luyện mới thành công”, đó chính là kim chỉ nam cho sự phấn đấu của chị Hải và Trang đối với nghệ thuật thư pháp. Từ ngày phát hiện ra sở thích chung, hai chị thường xuyên gặp gỡ để rèn luyện, trau dồi kiến thức và nhận xét, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Thư pháp cũng đã giúp chị Hải có được nhiều sự lạc quan, kiên trì. Chị Hải cho biết, năm 2017, chị bị tai nạn phải đi bằng nạng suốt 6 tháng, nhưng không một ngày nào chị không sinh hoạt viết thư pháp cùng bạn bè. Khi viết, chị thấy tâm hồn được thư thái, chiêm nghiệm được những câu nói, ý nghĩa hay trong từng chữ, câu đối; những suy nghĩ tiêu cực từ bệnh tật cũng từ đó mà tan biến đi, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Hai “bà đồ” cùng những “ông đồ” trẻ tại Đắk Lắk. |
Với chị Trang, thư pháp đã giúp chị giảm đi những áp lực khi đứng trên bục giảng. Dù bộ môn thư pháp không có trong trường học, nhưng vào những giờ giải lao chị vẫn có thể chia sẻ với học sinh. Nhiều em đã cố gắng chăm ngoan để chị tặng phần thưởng là những bức thư pháp được nắn nót viết bằng cả tình yêu thương dành cho học trò.
Cùng với CLB, hai “bà đồ” thường xuyên tham dự các ngày lễ, hội trong tỉnh để tặng chữ và phục vụ những người “thuê viết”. Có những chương trình phải ngồi cả ngày để viết, nhưng các chị đều không hề mệt mỏi mà trái lại rất vui vẻ. Vì hầu như những người đến xin chữ, “thuê viết” đều thích thú, mong muốn xin chữ để được may mắn. Một số đến để sưu tầm, tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống của dân tộc, rất nhiều trong số đó là các bạn trẻ và thiếu nhi. Những bức thư pháp bán được cũng phần nào tăng thêm thu nhập và nuôi dưỡng đam mê cho các chị, đáng ghi nhận hơn là họ đã trích một phần thu nhập của mình để làm từ thiện.
Nhiều người cũng phân biệt “bà đồ” và “ông đồ”, tâm lý chỉ muốn “ông đồ” cho chữ. Tuy chạnh lòng, nhưng các chị luôn vượt qua, vì mục đích lớn nhất chính là bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Trong thời gian tới, hai “bà đồ” dự định sẽ mở lớp truyền dạy thư pháp cho những người yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ hy vọng rằng việc làm này sẽ góp phần lan tỏa ý nghĩa sâu sắc chữ thư pháp; đồng thời muốn gửi thông điệp rằng những người viết thư pháp dù là phụ nữ hay đàn ông, già hay trẻ sẽ đều được trân quý.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc