Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm một ngày làm kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

09:59, 24/05/2018

Với lợi thế về cảnh quan, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn đang từng bước đầu tư xây dựng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Một trong những sản phẩm du lịch sinh thái mới được Vườn đưa vào khai thác là tour trải nghiệm một ngày làm kiểm lâm.

Có mặt ở Vườn lúc 7 giờ sáng, tôi cùng với một nhóm du khách háo hức bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình. Với một bộ quần áo kiểm lâm, ba lô đựng đồ ăn, thức uống cùng với lều cắm trại, chúng tôi bắt đầu di chuyển bằng xe đạp đi sâu vào rừng theo sự hướng dẫn của các cán bộ kiểm lâm. Hai bên đường tuần tra, từng khoảnh rừng khộp đã bắt đầu xanh sau hơn 3 tháng trút lá để chống chọi với nắng hạn của mùa khô biên giới. Nhìn sự sống bừng lên sau những cơn mưa đầu mùa ta mới cảm nhận được sức mạnh diệu kỳ của hệ sinh thái rừng khộp nơi đây.

Xuyên qua chừng 8 cây số đường rừng, chúng tôi đến một trong những điểm đẹp nhất trong vườn đó là Thác Phật. Giữa cái nắng gay gắt của thời điểm giao mùa, khi nhìn dòng thác nước tung trắng xóa, mọi mệt nhọc của đoạn hành trình nhanh chóng tan biến. Nằm ẩn giữa những khu rừng già tự nhiên, được hình thành từ một nhánh của dòng sông Sêrêpôk, Thác Phật có rất nhiều các tảng đá lớn hình thù khác nhau do quá trình bào mòn của dòng nước bao bọc xung quanh. Không khí ở Thác Phật trong lành, thoáng mát là một nơi lý tưởng cho những ai có nhu cầu đi dã ngoại, cắm trại cuối tuần. Đây là điểm mà bất kỳ ai khi đến với Vườn Quốc gia Yok Đôn đều muốn đến tham quan. Thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng Thác Phật là vào mùa khô, khi đó mực nước xuống thấp, những phiến đá lộ rõ lên khỏi mặt nước. Các phiến đá được dòng nước bào mòn, tạo nên những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Theo như lời kể của kiểm lâm vườn, Thác Phật là tên gọi của người dân địa phương ở đây, còn xuất xứ vì sao được  gọi là "Thác Phật"  thì gần như không ai còn nhớ. Còn theo một số người dân địa phương, tên Thác Phật bắt nguồn từ việc ở đoạn thác này trước kia thường có các hoạt động cúng Phật... chính vì vậy càng làm cho điểm du lịch này thêm ý nghĩa tâm linh, huyền bí.

Du khách trải nghiệm một ngày làm kiểm lâm.
Du khách trải nghiệm một ngày làm kiểm lâm.

Sau khi kết thúc bữa trưa tại Thác Phật, chúng tôi tiếp tục xuyên rừng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, các kiểm lâm Vườn còn là những nhà nghiên cứu, có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết các loài động vật, nghiên cứu về thực vật để bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Chính vì vậy trên đường tuần tra, mọi dấu vết của các loài động vật để lại đều được các anh ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ tuần tra. Đi xuyên cánh rừng mà voi rừng thường xuyên về, chỉ vào những dấu chân vẫn còn hằn trên mặt đất, anh Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ của Vườn cho biết, voi là đặc trưng của Vườn Quốc gia Yok Đôn nên bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy voi xuất hiện đều được cán bộ kiểm lâm ghi chép cẩn thận, để dõi hướng di chuyển, tần suất xuất hiện. Trên cơ sở đó, Vườn vừa có những biện pháp tạo nguồn nước, thức ăn để kéo động vật về với rừng, vừa để cảnh báo từ xa, khoanh vùng, tránh những xung đột giữa người và voi rừng thỉnh thoảng vẫn diễn ra khi voi bị cạn kiệt nguồn thức ăn về phá mùa màng của người dân nơi đây.

Tiếp tục tiến sâu vào trong rừng, di chuyển vào vùng lõi của Vườn, chúng tôi bắt gặp vô số loài chim. Anh Vũ Đức Giỏi cho biết thêm, có hệ sinh thái đặc trưng của rừng khộp, Yok Đôn là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này... Đa dạng sinh học của Vườn cũng được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế. Hệ động vật đã thống kê được 489 loài, gồm 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và hơn 100 loài côn trùng. Khoảng hơn 10 năm về trước, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên BirdLife và Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện một số loài chim quý hiếm như: sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng. Đây là những loài bị đe dọa cấp cao nhất (tối nguy cấp). Ngoài ra, các chuyên gia của BirdLife cũng phát hiện tại Yôk Dôn 2 loài chim mới ở Việt Nam là chìa vôi Mê Kông và kền kền.

Du khách tham gia học làm quản tượng.
Du khách tham gia học làm quản tượng.

Câu chuyện về đa dạng sinh học mà những cán bộ kiểm lâm khiến cho chúng tôi quên đi mệt mỏi khi băng rừng, màn đêm buông lúc nào không hay. Chúng tôi quyết định dừng chân và dựng lều, chuẩn bị cho bữa tối. Đêm ở rừng mới thật tĩnh lặng, im ắng, chỉ có tiếng gió xào xạc và tiếng kêu rả rích của côn trùng, thỉnh thoảng xen vài tiếng chim đêm.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Nếu muốn phiêu lưu, du khách có thể hóa thân thành “chiến sĩ” bảo vệ rừng để được khoác lên mình đồng phục kiểm lâm, sử dụng một số thiết bị cần thiết cùng hành trình với kiểm lâm Vườn. Còn nếu muốn tìm hiểu thêm những thông tin, kinh nghiệm quý giá về cách nuôi dạy voi nhà, du khách cũng có thể cùng với quản tượng dẫn voi vào rừng để voi tìm thức ăn, quan sát voi dưới tán rừng khộp, chăm sóc voi với dịch vụ học làm quản tượng… Vườn triển khai các sản phẩm du lịch này với mong muốn là để du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên để yêu rừng hơn, trải nghiệm để chia sẻ với những gian khổ, nhọc nhằn vì sự bình yên  rừng. 

Hương Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.