Đưa Văn hóa cồng chiêng phục vụ khách du lịch: Cần làm mới cho sản phẩm
Chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ du khách khi đến Đắk Lắk tham quan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đề xuất và thực hiện (2 đêm/tháng tại Biệt điện Bảo Đại - TP. Buôn Ma Thuột) xem ra ngày càng “đuối sức”, vì nội dung cũng như hình thức của sản phẩm du lịch này trở nên đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo người xem.
Vốn chương trình đã cạn
Đến tháng 7-2018, Chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được triển khai vừa tròn một năm. Chừng ấy thời gian với tần suất biểu diễn 2 đêm/tháng, nhưng theo nghệ sĩ Y Phôn Ksor – Phó Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk, người được giao phụ trách chương trình trên, thì đến thời điểm này “vốn liếng” về cồng chiêng của Đoàn có được đem ra phục vụ du khách dường như đã cạn (!). Bởi vì, khi xây dựng và triển khai chương trình này, Sở VH-TT-DL đã dự định tạm thời ban đầu giao cho Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk đảm nhận, sau đó nhân rộng ra tại các địa bàn trọng điểm du lịch khác bằng cách mời gọi nghệ nhân của nhiều đội chiêng có uy tín và chất lượng tham gia. Song, đã gần một năm qua với gần 20 chương trình biểu diễn, chỉ độc mỗi đơn vị nghệ thuật này gánh vác, vì thế không tránh khỏi khó khăn trong việc dàn dựng, đạo diễn...
Một tiết mục trong chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách tại Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: H. Gia |
Lấy chủ đề chung là “Âm vang đại ngàn”, trong đó có nhiều tiết mục như múa hát, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, nghi thức mời rượu và giao lưu với khán giả… Đoàn ca múa dân tộc tỉnh đã đáp ứng yêu cầu đặt ra từ những suất diễn đầu tiên, thu hút khá đông đảo người xem với khoảng 400 – 500 khách mỗi đêm, sau đó giảm dần do chương trình không có gì mới lạ nữa. Ông Y Kô Niê – Phó Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) cho rằng, đưa cồng chiêng vào phục vụ du lịch không phải là điều mới mẻ, bởi sản phẩm này đã được nhiều đơn vị kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung khai thác từ lâu. Vấn đề đặt ra ở đây là phải tìm cách làm mới hoạt động biểu diễn cồng chiêng để nó trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính nhận diện văn hóa cộng đồng sâu sắc và sinh động, giúp người thưởng lãm thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm cùng di sản này. Có thể nói, đến nay đơn vị thực hiện chương trình mới làm được một phần so với yêu cầu – đó là giới thiệu và trình diễn âm nhạc cồng chiêng dưới hình thức sân khấu hóa một cách chuyên nghiệp. Còn việc tạo ra không gian văn hóa để cồng chiêng và những yếu tố liên quan khác hiện diện, thu hút mọi người thì chưa thấy, hoặc không rõ ràng dưới góc nhìn là sản phẩm du lịch thật sự. Vì vậy, vấn đề xây dựng, hoàn thiện và phát triển chương trình trên trở thành sản phẩm du lịch có tính nhận diện cao là yêu cầu đặt ra.
Thay đổi theo hướng linh hoạt, sinh động hơn
Tất nhiên là ngoài lực lượng nghệ nhân được huy động hùng hậu và đa dạng, thì cách thức để đưa vốn văn hóa cồng chiêng đến với khán giả cũng phải được thay đổi theo hướng linh hoạt, sinh động hơn. Ông Y Kô cũng như nhiều người quan tâm đến chương trình trên gợi mở nên (thậm chí là bắt buộc) đưa nghi thức diễn tấu cồng chiêng vào dưới hình thức lễ hội nào đó của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo đó, giới thiệu và đính kèm một giá trị văn hóa cụ thể với du khách để giúp họ hiểu biết, say mê hơn – và biết đâu từ đó kích cầu thêm tính chất thương mại (mua, bán) hàng hóa có yếu tố văn hóa từ chương trình này.
Nghi thức mời rượu trong chương trình biểu diễn cồng chiêng. |
“Đắk Lắk đang sở hữu vốn lễ hội truyển thống đồ sộ, phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, nên không vì lý do gì mà không lần lượt quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế trong mỗi dịp trình diễn văn hóa cồng chiêng, như thế nhằm làm mới sản phẩm du lịch này”.
Bà Tuyết Nhung Buôn Krông - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên)
|
Bà Tuyết Nhung Buôn Krông – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) cũng tỏ ra đồng tình với hướng đi đó và cho rằng, Đắk Lắk đang sở hữu vốn lễ hội truyển thống đồ sộ, phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, nên không vì lý do gì mà không lần lượt quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, đưa nghi lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê vào chương trình biểu diễn cồng chiêng tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại hiện nay để người xem trải nghiệm và thưởng thức. Theo bà Tuyết Nhung, có thể một vị khách nào đó có nhu cầu kết nghĩa anh em với một nghệ nhân, hay diễn viên tham gia chương trình thì mình sẵn sàng đáp ứng. Trong nghi lễ này, dĩ nhiên không thiếu bài chiêng mừng và một chiếc còng trao nhau để thực chứng. Khi ấy, đạo diễn chương trình sẽ có cơ hội giới thiệu, trình diễn bài chiêng nghi thức và ý nghĩa của chiếc còng trong nghi lễ trên.
Trong không gian như thế, du khách được thưởng thức âm nhạc cồng chiêng, cảm nhận rõ ràng không gian văn hóa lễ hội và cuối cùng là tìm mua một chiếc còng để làm kỷ niệm. Một khi đã có nhu cầu đó thì các dịch vụ du lịch sẽ sẵn sàng đáp ứng, thậm chí cửa hàng bán đồ lưu niệm này có mặt ngay trong mỗi chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng được tổ chức vào hai tối thứ Bảy trong tháng tại Biệt điện Bảo Đại – TP. Buôn Ma Thuột, ông Y Kô Niê chia sẻ.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc